CHÀ VÁ CHÂN ĐEN

Chà vá chân đen có tên khoa học là Pygathrix nigripes, thuộc họ Khỉ Cercopi Thecidae, bộ Linh trưởng Primates.

Chà vá chân đen phân bố ở miền núi Campuchia và một số tỉnh thuộc Việt Nam như Kon tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai.

Chà vá chân đen có bộ lông dày mềm và bông. Trán, đỉnh đầu màu xám đen. Mặt và cổ có khoanh màu hạt dẻ. Lông quanh mặt dài màu xám tro, trước tai có đám lông dài màu nâu nhạt. Đỉnh đầu màu đen chuyển màu xám tro ở phía gáy, chẩm và lưng. Lông hai bên gáy dài. Mông có đám lông trắng hình tam giác ngược. Dưới cằm, trên cổ có màu trắng đục, phần cổ còn lại đỏ nâu. Thân hình thon thả, chân tay rất dài. Cánh tay, bàn tay màu xám nhạt, các ngón tay đều màu đen. Vùng bẹn và đuôi trắng đục, đùi màu đen, ống chân màu đen. Mu bàn chân và các ngón đều đen. Đuôi rất dài, lông màu trắng. Con trưởng thành có trọng lượng khoảng 8,1 – 13,5kg.

Chà vá chân đen sống ở rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá và rừng cây Dipterocarpaceae. Chúng sống thành đàn từ 10 – 30 con, có con đực đầu đàn. Chúng hoạt động vào ban ngày, bắt đầu đi kiếm ăn từ lúc 5 giờ 30’ – 6 giờ sáng và tìm chổ ngủ trên cây gỗ cao lúc 17 giờ 30’ – 18 giờ hàng ngày (tùy thuộc vào mùa Đông hay mùa Hè, ngày nắng hay ngày mưa). Thức ăn chủ yếu của chúng gần như toàn lá cây, thỉnh thoảng thêm trái cây và hoa. Chu kỳ mang thai của Chà vá chân đen vào khoảng 180 – 190 ngày. Mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa một con. Con non mới sinh có lông màu hạt dẻ, đuôi màu vàng thẫm. Con cái trưởng thành sinh dục sau 50 tháng và con đực thường sau 60 tháng.

Hiện nay, Chà vá chân đen được đưa vào sách đỏ Việt Nam và nằm trong danh sách nhóm 1B, được bảo tồn trong Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên ở vùng phân bố của chúng.