CHÀO MÀO ĐÍT ĐỎ
Chào mào đít đỏ còn có những tên gọi khác như Râu đỏ, Hoành hoạch mồng, Chào mào hay Chóp mũ đỏ, tên khoa học là Pycnonotus Jocosus, bộ Chim Sẻ, họ Chào mào.
Chào mào đít đỏ có môi trường sống khá phong phú, được nuôi nhiều nhất ở châu Á. Tại Việt Nam, chim được nuôi ở hầu hết các tỉnh, thành khắp mọi miền Tổ quốc. Ở Lâm Đồng, Chào mào đít đỏ sống chủ yếu ở các bụi rậm khô ráo, các rừng cây thưa…
Chào mào đít đỏ có kích thước nhỏ bé, khi trưởng thành chỉ nặng khoảng 60 – 80gram, chiều dài cơ thể từ 16 – 23cm, con mái thường có cân nặng nhẹ hơn và hình dáng cơ thể chỉ to bằng 2/3 con trống.
Chim có phần đầu khá nhỏ, hơi dài. Mỏ nhọn, màu đen và khá cứng. Đôi mắt tròn đen nhánh, nằm ở gần đỉnh đầu và mào. Thân chim thuôn dài, chắc khỏe, lưng thẳng và phần bụng hơi phệ. Bàn chân của chim nhỏ, thô, các ngón nhỏ có móng sắc nhọn, giúp chúng bám vào các cành cây được chắc hơn. Bộ lông Chào mào có khá nhiều màu, như đen, trắng, nâu đỏ và thường thay lông vào mùa ấm trong năm.
Thức ăn chủ yếu của chim Chào mào đít đỏ thường là các loài côn trùng nhỏ, như sâu gạo, sâu xanh, châu chấu, cào cào…, các loại trái cây chín, như đu đủ, xoài, cam, dâu, chuối… và cà rốt, củ cải đường cũng là những món ăn chúng vô cùng yêu thích (chim nuôi).
Thời gian sinh sản của Chào mào đít đỏ phụ thuộc vào môi trường sống. Trung bình, mỗi cặp chim Chào mào trống mái có thể sinh sản mỗi năm 2 lần, mỗi lần đẻ từ 2 – 5 trứng.
Trứng chim thường có màu nâu kem và điểm xuyết thêm các đốm nâu. Khi đến thời kỳ giao phối, những chú Chào mào trống thường cúi đầu, cánh rủ xuống để thu hút con mái. Tổ chim thường được làm từ các cành cây nhỏ, rễ cây và cỏ khô.