CHÍCH CHÒE LỬA
Chích chòe lửa có tên khoa học là Copspychus Malabarious Indicus.
Chích chòe lửa xuất hiện tương đối nhiều ở các nước châu Á, đặc biệt là các quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Loài chim này rất nhạy cảm với con người, nên thường chọn những nơi yên tĩnh, như trong rừng sâu hoặc các khu vực hẻo lánh, nơi có nhiều suối, thác, xa khu dân cư.
Chích chòe lửa thân hình tương đối nhỏ, mảnh mai, đầu nâng cao và có đuôi phượng. Chích chòe lửa thường có 3 màu lông nổi bật. Màu đen trải dài từ đầu, lưng cánh tới đuôi của chim. Màu trắng thường thấy ở phần dưới của đuôi chim. Màu nâu thường xuất hiện ở phần ức, cũng như bụng dưới. Các mảng màu bố trí vô cùng hài hòa, tạo cho chim một vẻ khác biệt hoàn toàn. Chim thường thay lông vào khoảng tháng 7 âm lịch, tùy vào tình trạng sức khỏe của chúng mà việc thay lông có thể diễn ra sớm hoặc muộn hơn.
Mùa sinh sản của Chích chòe lửa thường là mùa Xuân. Tuy nhiên, ở miền Nam thì Chích chòe lửa thường sinh sản vào mùa mưa (từ tháng 3 – 4 âm lịch).Đặc biệt, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự nóng lên của trái đất, ở mỗi vùng miền, Chích chòe lửa lại có mùa sinh sản không giống nhau.
Mỗi lần chim mẹ đẻ khoảng 4 – 5 trứng, ấp trứng khoảng 2 tuần. Trong tuần đầu tiên, chim mái chỉ ở trong tổ ấp trứng, nhiệm vụ tìm kiếm thức ăn do chim trống đảm nhiệm.