CHỒN CỔ DÀI

Chồn cổ dài, còn gọi Chồn hương (hay Cầy hương), có tên khoa học là Viverricula indica, bộ Ăn thịt Carnivora, họ Cầy Viverridae.
 
Trên thế giới, Chồn cổ dài chủ yếu phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á.Tại nước ta, Chồn cổ dài xuất hiện ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du.
 
Chồn cổ dài trưởng thành thân dài khoảng 55 – 75 cm, cân nặng khoảng 2 – 4kg. Bộ lông màu hung nâu và xám. Hai tai và mõm màu đen. Dọc sống lưng có những vệt màu đen. Phần hông có những vệt (hay đốm) đen mờ, xếp thành hàng chạy dọc từ vai xuống mông (phần mông rõ nét hơn). Đuôi dài khoảng 35 – 50cm (khoảng 2/3 thân), có những vòng đen trắng (7 – 10 vòng mỗi loại), xen kẽ nhau. Bốn chân ngắn, màu đen. Chồn cổ dài mang tuyến xạ nằm giữa kế 2 tinh hoàn.
 
Chồn cổ dài sống trên mặt đất, chủ yếu trong các khu vực rậm cỏ hay cây bụi thấp, như nương rẫy ven suối. Chúng là động vật ăn đêm, thường sống một mình, không tập trung thành đàn. Chúng ăn chủ là động vật, như chuột, sóc, chim nhỏ, thằn lằn, sâu bọ, trứng… Chồn cổ dài thường sinh sản từ tháng 4 – 6. Chúng sinh con trong hang, mỗi lứa khoảng 4 – 5 con và cho con bú. Trong tình trạng nuôi nhốt, chúng có thể sống trong khoảng 9 – 22 năm.
 
Chồn cổ dài là loại động vật hoang dã thuộc phụ lục III của CITES(viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora – Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), cần phải có giấy phép khi nuôi hoặc vận chuyển.