CHỒN VÀNG

Chồn vàng có tên khoa học Martes Flavicula, thuộc họ Chồn Mustelidae, bộ Ăn thịt Carnivora.
 
Trên thế giới, Chồn Vàng  phân bố ở vùng Đông Á, Siberia, Malaysia, Indonesia, Pakistan. Ở nước ta, Chồn vàng có ở hầu hết các tỉnh có rừng, kể cả rừng ngập mặn. 
 
Chồn Vàng là loài thú ăn thịt nhỏ có kích thước trung bình, thân dài từ 450 – 600mm, đuôi dài từ 380 – 450mm. Con trưởng thành có cân nặng từ 3 – 5kg. Lưng màu vàng đất, mông và chi phớt nâu xám, bàn chân và đuôi nâu đen. Bụng vàng nhạt. Cằm và má trắng. Chân có các móng vuốt sắc.
 
Chồn Vàng sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau, cả trên các đồi cây bụi và rừng ngập mặn, thích hợp nhất là các rừng cây gỗ. Chúng sống đơn độc, đôi khi theo nhóm nhỏ 3 – 4 con, trú trong các hốc cây, hốc đá, hang đất và cả trong bụi rậm. Chồn vàng nổi tiếng là loài leo trèo giỏi và có tốc độ di chuyển rất nhanh, bơi lội tốt, kiếm ăn ngày hoặc đêm (phụ thuộc vào khả năng và hoạt động của con mồi), rất khôn khéo lúc hoạt động. Chồn Vàng ăn các loại chim, sóc, chuột, rắn và cả các loài thú có kích thước lớn hơn nó (khỉ, cheo cheo, và các loài cầy vòi ăn quả). Chúng thường sinh sản vào mùa hè, mang thai 220 – 290 ngày, mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa đẻ từ 1 – 3 con.
 
Hiện nay, số lượng Chồn Vàng không còn nhiều do bị săn bắt quá mức và tình trạng phá rừng làm mất nơi sống tự nhiên của chúng. Do vậy, cần nâng cao ý thức của người dân về nhận biết và bảo tồn loài động vật này, không săn bắt, kết hợp với các biện pháp bảo vệ môi sinh, môi trường sống của chúng trong tự nhiên.