CÔNG
Công có tên khoa học là Pavo Muticus Imperator, thuộc họ Trĩ Phasianidae, bộ Gà Galliformes. Công phân bố Nam Trung Quốc), Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. Tại Việt Nam, chúng phân bố chủ yếu ở Nam Trung Bộ và Vườn quốc gia Cát Tiên.
Công trống có bộ lông nhiều màu sặc sỡ, mặt lông thường có màu hoàng kim và màu lam, với độ dài 6 – 7 cm. Khi ánh sáng chiếu vào sẽ tỏa ra màu óng ánh, rực rỡ như cầu vồng. Mào trên đầu được tạo thành bởi những chiếc lông cao khoảng 6 -7 cm. Đuôi Công trống khi xòe ra có những họa tiết phức tạp, cuối mỗi chiếc lông đuôi điểm một họa tiết rất giống hình con mắt màu xanh ngọc, vàng, nâu, lam và đen. Chim trống khi trưởng thành cơ thể dài tới 2,1m (riêng đuôi dài tới 1,5m). Công mái kích thước nhỏ hơn, chiều dài cơ thể cũng ngắn hơn, bộ lông cũng không nổi bật, cuốn hút như con trống, màu sắc thường là xám tro hoặc nâu xám.
Công trong tự nhiên thường sinh sống ở độ cao dưới 1.000m, trong nhiều môi trường sống, bao gồm cả rừng nguyên sinh và rừng thứ cấp, cả hai vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, cũng như rừng thường xanh và rụng lá. Công là loài ăn tạp, thiên về thực vật, chủ yếu là các loại hạt, cỏ, trái chín…
Bộ lông vũ ấn tượng khi xòe ra với điệu múa ve vãn của Công trống giúp nó chinh phục Công mái. Con trống nào có bộ cánh ấn tượng hơn sẽ được con mái chọn là bạn tình suốt mùa sinh sản (tháng 4 và 5 hàng năm). Công khi lớn khoảng 2 – 2,5 tuổi mới đẻ và thường đẻ vào cuối mùa Xuân cho tới hết mùa Hè. Mỗi năm, chúng đẻ 4 – 5 kỳ, mỗi kỳ 5 – 7 trứng, ngày đẻ ngày nghỉ và hằng ngày thường đẻ vào tầm 17 – 18 giờ. Chim công phát triển trọng lượng rất chậm, chủ yếu là bộ lông.
Hiện nay, Công được xếp vào nhóm IIB (động vật đặc biệt quý hiếm, nghiêm cấm khai thác, sử dụng mục đích vì thương mại).