ĐÁ CHALCEDONY

Đá Chalcedony còn có tên gọi khác là Canxedon, được hình thành từ các lỗ hổng trong rất nhiều các loại đá khác nhau, nhất là trong các dung nhan phun trào của núi lửa nhờ sự kết hợp của hai yếu tố là các hạt Thạch anh và các Maganit nhỏ xen kẽ, hòa quyện vào nhau. Đá Chalcedony có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, đá Chalcedony phân bố ở một số tỉnh như Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai…

Đá Chalcedony là một dạng khoáng chất thuộc vào nhóm Thạch anh Silica Dioxide, sở hữu cấu trúc dạng tinh thể ba phương. Độ cứng của đá Chalcedony trong khoảng từ 6,5 – 7 trong thang độ Mohs. Đá Chalcedony chứa rất nhiều tạp chất, tùy vào từng loại tạp chất bên trong đá sẽ có tên gọi riêng biệt cho nó. Chính vì có nhiều biến thể khác nhau nên màu sắc của Chalcedony cũng rất đa dạng. Các biến thể của đá Chalcedony như đá Mã não với cấu tạo vân tròn đồng tâm; Carnelian có màu nâu đỏ trong suốt, cũng có thể biến đổi từ cam nhạt đến đen; Chrysoprase màu lục, màu đặc trưng của Niken Oxit; Heliotrope màu lục, nhưng nó có chứa các Oxit sắt nên còn có màu đỏ máu, gọi là Bloodstone; Onyx là một loại Agat khác, có vân đen và trắng xen kẽ…

Người ta cho rằng, đá Chalcedony bao gồm các nguyên tố tự nhiên như không khí và Ete nên chúng giúp nuôi dưỡng sự ổn định về tinh thần. Những đồ trang sức được chế tác từ Chalcedony màu xanh da trời có thể xua tan nỗi sợ hãi, làm dịu nỗi đau và mang lại niềm hi vọng cho người đeo. Nhờ khả năng độc lạ này, những người Mông Cổ xưa thường gọi những viên Chalcedony màu xanh da trời mà họ tìm thấy trong hoang mạc Gobi là “Đá niềm vui”.