ĐỈNH TÙNG
Đỉnh tùng có tên khoa học là Cephalotaxus hainanensis, họ Đỉnh tùng (Cephalotaceae).
Đỉnh tùng thường mọc rải rác trong tầng cây gỗ nhỏ hay tầng cây bụi trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh, ở độ cao khoảng 600 – 1.500m, nơi có ít ánh sáng, trên tầng đất dày và ẩm.
Trên thế giới, Đỉnh tùng phân bố từ Đông bắc Ấn Độ, Lào, Bắc Myanma, Bắc Thái Lan, Nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, Đỉnh tùng sinh sống chủ yếu ở Hà Tây, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.
Đỉnh tùng là cây gỗ nhỏ, thường xanh, ít khi cao 10 – 15 m. Cành mảnh, mọc đối và xòe ngang. Lá mọc xoắn ốc, xếp thành 2 dãy, hình dải, dài 2 – 4cm, rộng 0,2 – 0,4cm, thẳng hay hơi cong ở gần đầu, ở mặt dưới có 2 dải lỗ khí màu trăng trắng. Nón đực hình đầu, mọc chụm từng 8 – 10 cái thành hình đuôi sóc đơn độc. Nón cái đơn độc hay mọc chụm 3 – 5 cái ở nách lá, mỗi nón gồm 9 – 10 vảy, ở mặt bụng mỗi vảy có 2 noãn. Hạt hình trứng, dài khoảng 2,7cm, khoảng 1,8cm. Mùa ra nón tháng 4 – 5, mùa quả chín tháng 9 – 10 năm sau. Cây tái sinh bằng hạt rất kém, vì hạt thường không phát triển đầy đủ.
Đỉnh tùng là loài thực vật cổ còn sống sót, có nguồn gen qúy hiếm và độc đáo. Gỗ Đỉnh tùng có chất lượng cao, chịu mối mọt, được sử dụng làm đồ mỹ nghệ cao cấp. Hạt và một số bộ phận của Đỉnh tùng có dược tính, có thể chiết xuất làm thuốc. Cây còn được sử dụng làm cây cảnh, do cây non chịu bóng râm và có hình dáng đẹp, cây trưởng thành có kiểu vỏ độc đáo.
Đỉnh tùng cần được đưa vào Nhóm IIA của Danh mục các loài động vật, thực vật quí hiếm để hạn chế khai thác và sử dụng, tạo điều kiện bảo vệ loài bên ngoài các khu bảo tồn, chủ yếu là trong các rừng phòng hộ. Việc phân bố rộng của loài cho phép thiết lập các khu bảo tồn chuyển vị, gồm tất cả các xuất xứ sử dụng giống từ hạt hoặc cây hom. Những quần thể tốt ở tỉnh Lâm Đồng cần được xác định và bảo vệ như những nguồn giống quốc gia.