DU SAM
Du sam, còn có các tên gọi khác là Ngo tùng, Thông tô hạp, Du sam núi đất, tên khoa học là Keteleeria Davidiana Mast, họ Thông (Pinaceae).
Du sam thường mọc hỗn giao trong rừng lá rộng thường xanh, hay xen lẫn với thông ba lá. Ở Việt Nam, Du sam phân bố một số nơi như Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế. Riêng Lâm Đồng, Du sam phân bố ở vùng Suối Vàng, Núi Voi, Lâm Hà, hồ Tuyền Lâm, Thác hang cọp…
Du sam là loài gỗ lớn, cao khoảng 30m, đường kính trung bình 50 – 70cm, nhiều cây có đường kính 1,8 – 2,1m. Tán lá lúc nhỏ dạng hình tháp, khi trưởng thành tán lá phân cành ngang và xòe rộng. Vỏ màu nâu, xám, nứt dọc, bong ra thành mảng to. Lá hẹp, dẹp, xếp xoắn, gần như hai dãy thường mọc chụm ở đầu cành, có đầu nhọn ở nhánh dài, tù trong ở nhánh ngắn, dài 5 – 5,5cm, rộng 0,3cm, mặt trên nhẵn, mặt dưới có hai dải bì khẩu trắng. Nón cái đơn độc, mọc thẳng đứng, dài 15 – 20cm, rộng 3 – 6cm, vảy mỏng, cứng, không rụng, đầu tù hay tròn, màu đỏ nâu. Hạt bóng, màu nâu đen, dài 0,6cm, có cánh dài 0,5cm, màu vàng. Mùa hoa vào tháng 1 – 2, quả chín vào tháng 10 – 11. Hầu hết cây Du sam đều có tuổi thọ từ 50 tới cả 100 năm.
Gỗ Du sam rất bền, chắc, cứng và nặng, không bị nứt nẻ hay mối mọt, có màu vàng nhạt, thớ mịn, vân gỗ đẹp. Gỗ có hương thơm đặc trưng tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái cho người sử dụng nên được dùng trong thiết kế nội thất cao cấp hoặc làm đồ mỹ nghệ. Hạt Du sam ép lấy dầu dùng để đốt, chế biến xà phòng và đánh bóng đồ gỗ. Dầu còn dùng để làm thuốc chữa ho và sát trùng.
Gỗ Du sam thuộc nhóm I trong bảng xếp hạng gỗ Việt Nam và nằm trong những loại gỗ quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao, ngày càng khan hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn khai thác rừng quá mức. Tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP, gỗ du sam thuộc nhóm IIA trong Danh mục thực vật rừng quý hiếm, hạn chế khai thác vì mục đích thương mại.
Tại Lâm Đồng, thống kê sơ bộ toàn tỉnh còn hơn 1.500 cây Du sam, đang tiếp tục tính toán nhân giống, trồng thêm để kết nối các quần thể, góp phần cải thiện hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao độ che phủ của rừng.