HỔ

Hổ còn có những tên gọi khác như Hùm, Cọp, Ông ba mươi… Hổ có tên khoa học là Panthera Tigris Corbetti, thuộc họ Mèo Felidae, bộ Ăn thịt Carnivora, lớp Thú Mammalia. Đặc biệt, Hổ là loài thú họ Mèo lớn nhất thế giới.

Hổ Đông Dương không chỉ là loài bản địa Việt Nam, chúng còn sống ở các nước Đông Nam Á (bao gồm Thái Lan, Campuchia, Myanma, Lào) và cả ở Trung Quốc. Do miền Trung Việt Nam có địa thế rừng núi hiểm trở trải dài theo dãy Trường Sơn, nên từ nhiều thế kỷ qua, nơi đây là vương quốc của loài thú quý hiếm và dũng mãnh bậc nhất này.

Hổ có nền lông vàng, phần bụng trắng, mặt và dọc toàn thân có nhiều sọc đen. Mặt dưới của các chi, bụng, ngực, cổ họng, mõm, phía trên mắt và kéo dài đến má có màu trắng. Một đốm trắng xuất hiện ở mặt sau của mỗi tai. Các đường tối về mắt có xu hướng đối xứng, nhưng các dấu hiệu ở mỗi bên của khuôn mặt thường không đối xứng. Đuôi có màu vàng và có nhiều dải màu tối. Hổ Đông Dương trưởng thành có chiều dài từ 2,3m – 2,8m, trọng lượng cơ thể con đực khoảng 150kg – 195kg và con cái nhỏ hơn, giao động từ 110kg đến 140kg. Hổ Đông Dương có hàm răng chắc khỏe, mắt tinh, chân chạy nhanh. Hổ là loài thú họ Mèo duy nhất thích bơi lội, có thể dễ dàng vượt qua các con sông rộng 6 – 8km. Hổ cũng là nhà leo núi tuyệt vời.

Hổ Đông Dương là một loài sống đơn độc, mối quan hệ lâu dài duy nhất là giữa Hổ mẹ và con của nó. Chúng sống trong môi trường rừng, đồng cỏ, núi đồi và không cố định một chổ. Tuy nhiên, chúng thích ở các sinh cảnh rừng, như rừng mưa nhiệt đới, rừng thường xanh hay rừng rụng lá…, nơi chúng có thể ngụy trang dễ dàng để săn mồi hay lẩn tránh kẻ thù. Hổ săn mồi mạnh nhất vào ban đêm, chủ yếu săn các loài động vật hoang dã móng guốc cỡ vừa và lớn (như nai, lợn rừng, sơn dương và các loài thú nhỏ như mang, nhím, khỉ, lửng…).

Hổ Đông Dương giao phối quanh năm, nhưng thường xuyên nhất trong tháng 11 – 4. Sau thời gian mang thai 3,5 tháng (khoảng 103 ngày), chúng sinh từ 1 – 7 con, trung bình là 2 – 3 con. Hổ con mới sinh nặng từ 780 – 1.600g không mở được mắt cho đến 6 – 14 ngày sau. Hổ mẹ dành phần lớn thời gian để nuôi con nhỏ trong giai đoạn dễ bị tổn thương này. Hổ con cai sữa trong khoảng 90 – 100 ngày tuổi, bắt đầu theo mẹvà ăn một số thức ăn rắn từ khoảng 2 tháng tuổi. Từ 5 – 6 tháng tuổi, hổ con bắt đầu tham gia các cuộc thám hiểm săn mồi. Hổ con ở với mẹ cho đến khi chúng được 18 tháng đến 3 tuổi.

Hổ là loài thú quý hiếm có giá trị trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt góp phần cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên hiện nay, số lượng loài Hổ Đông Dương ở Việt Nam đã giảm sút nghiêm trọng, do nạn săn bắn và buôn bán trái phép. Hổ được phân hạng nguy cấp quý hiếm nhóm IB.