HƯƠU SAO
Hươu sao có tên khoa họclà Cervus Nippon Pseudaxis, thuộc họ Hươu nai Cervidae, bộ Móng guốc chẵn Artiodactyla.
Hươu sao có nguồn gốc từ Đông Nam Á, trước đây phân bố nhiều ở miền Bắc Việt Nam, vùng phía Đông Nam của Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Nga. Hiện nay, ở các nước, số lượng cá thể Hươu sao sống hoang dã không còn nhiều, chỉ có Nhật Bản là còn số lượng tương đối lớn.
So với các phân loài Hươu sao khác, thì Hươu sao Việt Nam có hình dáng, kích thước nhỏ hơn. Do điều kiện vùng địa lý nhiệt đới, nhiều rừng ít đồng cỏ, sống chủ yếu trong rừng thưa, nên vóc dáng nhỏ bé là điều cần thiết cho Hươu sao dễ di chuyển, lẫn trốn kẻ thù. Toàn thân Hươu sao phủ lông ngắn mịn, màu vàng hung, đặc biệt có 6 – 8 hàng chấm trắng (gọi là các sao) chạy dọc theo hai bên thân. Phần bụng có màu nhạt hơn, từ gáy kéo dài suốt sống lưng là vệt lông màu xám hoặc nâu sẫm. Bốn chân nhỏ thon màu vàng xám, đuôi ngắn, màu trắng viền lông đen gần gốc đuôi, phần mút đuôi có túm lông trắng. Trọng lượng trung bình mỗi con trưởng thành từ 60 – 80kg, con cái nhỏ hơn con đực. Chỉ có Hươu đực mới có sừng từ 2 – 4 nhánh, sừng Hươu nhỏ hơn Nai. Mỗi năm, sừng Hươu sẽ tự tái sinh, sừng cũ rụng đi để mọc ra sừng mới. Sừng còn non được gọi là “Nhung Hươu” (lộc nhung). Con đực cho nhung thường vào tháng 3 – 4 dương lịch hàng năm.
Hươu sao thường sống thành từng đàn từ 5 – 7 con, có đàn nhiều hơn chục con, thường sống trong rừng thưa, đồng cỏ, gần nguồn nước, nhưng ưa thích khô ráo. Hươu sao rất hiền lành, nhút nhát nên cũng rất cảnh giác, khó tiếp cận ở khoảng cách gần.
Hươu sao thuộc loài nhai lại, dạ dày cấu tạo tới 4 túi (gồm dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế). Hươu sao Việt Nam rất ưa thích ăn những loại lá cây có nhựa, như sung, ngái, mít, xoan…, cũng như các loại lá chát, đắng khác. Hươu sao ăn nhiều hơn vào ban đêm, ban ngày nhai lại. Mỗi ngày, hươu nhai lại từ 6 – 8 lần, với thời gian trung bình tới 7 giờ.
Thời kỳ động dục của Hươu sao tập trung vào tháng 8 – 9, mang thaitừ 215 – 235 ngày, mỗi năm đẻ mỗi lứa 1 con vào các tháng 3 – 5.Thời gian nuôi con 3 – 4 tháng. Do tình trạng săn bắt trái phép nên quần thể Hươu sao hoang dã tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, danh mục đỏ IUCN đã xếp Hươu sao vào bậc CR.
Hiện nay, rất hiếm gặp Hươu sao trong thiên nhiên hoang dã mà chủ yếu là thuần hóa, nuôi nhốt. Nghề nuôi Hươu sao đang phát triển mạnh, mang lại lợi ích kinh tế cao trong các hộ gia đình, được khuyến khích phát triển trong nhân dân, gây thả lại trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia.