KAOLIN

Kaolin (Cao lanh) là khoáng vật sét màu trắng, dẻo, mềm, được cấu thành bởi Kaolinit và một số khoáng vật khác như Illit, Montmorillonit, Thạch anh… Trong đó, Kaolinit quyết định kiểu cấu tạo và kiến trúc của Kaolin. Kaolin có thành phần khoáng vật chủ yếu là Kaolinit.

Trong công nghiệp, Kaolin được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như sản xuât gốm sứ, vật liệu mài, sản xuất nhôm, phèn nhôm, đúc, vật liệu chịu lửa, chất độn sơn, cao su, giấy, xi măng trắng…

Ở Lâm Đồng, Kaolin là một trong 4 loại khoáng sản được khai thác với trữ lượng lớn (khoảng 520 triệu tấn), gồm Kaolin nguồn gốc phong hóa và Kaolin nguồn gốc trầm tích, tập trung ở Trại Mát và Prenn thuộc thành phố Đà Lạt. Kaolin Đà Lạt có mật độ tập trung cao, ít tạp chất, mịn, nhuyễn, dễ khai thác, tập trung ở các mỏ lớn phân bố quanh thành phố (mỏ Cam Ly – Đa Tan La và mỏ Trại Mát – Tây Hồ). Các lớp Kaolin nằm cạn, cách mặt đất chừng 0,1 – 0,5m, gồm lớp cao lanh màu trắng, trắng đục, mềm, dẻo, dày 1 – 2m; tiếp đến là lớp Kaolin màu vàng nhạt, trắng xám dày 0,5 – 2m; dưới cùng là lớp Kaolin trắng đục, còn tàn dư của đá mẹ, dày 1 – 2,5m. 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, Kaolin mỏ Trại Mát có độ chịu nhiệt cao và cỡ hạt thích hợp với sứ công nghiệp, như sứ cách điện, gạch chịu lửa… Kaolin mỏ Đa Tan La thích hợp với sứ dân dụng và sứ mỹ nghệ. Nguồn Kaolin tái trầm tích phát hiện được ở Đơn Dương, nằm sâu cách mặt đất từ 0,6 – 7m, chưa  được thăm dò, nhưng đã được sử dụng một ít làm gạch ngói.