KHỈ MẶT ĐỎ

Khỉ mặt đỏ có tên khoa học là Macaca Arctoides, thuộc họ Khỉ Cercopithecidae, bộ Linh trưởng Primates.

Khỉ mặt đỏ phân bố ở Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đặc biệt phân bố rộng rãi tại các khu rừng của tỉnh Lâm Đồng.

Khỉ mặt đỏ có màu da khuôn mặt đỏ rực, như được tạo hóa vẽ lên lớp son rực rỡ. Lông trên cơ thể màu nâu sẫm, cũng có khi biến đổi từ đen sang đỏ, phần lông dưới bụng nhạt màu hơn phía trên,lưng màu nâu đỏ tới màu nâu sẫm. Lông trên đỉnh đầu thường tỏa ra các phía xung quanh, lông ở hai bên má tỏa ra phía sau. Điểm nổi bật nhất là chiếc mông không có long, to quá khổ và chai mông rất dày. Khỉ mặt đỏ có chiều dài thân khoảng 48 – 65cm, đuôi dài khoảng 3 – 7cm, nặng khoảng 8 – 12kg.

Khỉ mặt đỏ thường sống trong rừng già, trên núi đá và núi đất, đôi khi gặp chúng kiếm ăn ở rừng thưa, nương rẫy. Chúng sống thành từng đàn từ 10- 30 con, thường kiếm ăn vào ban ngày, được mệnh danh là những kẻ ồn ào, náo nhiệt nhất trong các khu rừng. Chúng được tổ chức rất chặt chẽ và quân phiệt bởi con đực đầu đàn, là con đực to khỏe nhất. Khỉ mặt đỏ mang thai khoảng 178 ngày, khoảng cách giữa các kỳ sinh là 19 tháng và chúng sống khoảng 30 năm. Khỉ mặt đỏ là nguồn gen quý của rừng nhiệt đới, được xếp vào sách đỏ Việt Nam.