KIẾN VƯƠNG

Kiến vương (Kiến dương), tên khoa học Dynastinae, là một phân họ Bọ cánh cứng trong họ Bọ hung Scarabaeidae.
 
Kiến vương phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới, xứ nóng có độ ẩm cao thích hợp cho sự phát triển của loài này. Ở Việt Nam, Kiến vương phân bố chủ yếu ở Bến Tre, vùng Tây Nguyên và các tỉnh vùng núi phía Bắc.
 
Kiến vương trưởng thành có chiều dài khoảng 30 – 50mm, toàn thân màu đen, nâu sậm hoặc màu cánh gián. Con đực nhỏ hơn con cái một chút. Dưới bụng con đực có một lớp lông vàng hoặc nâu đỏ. Con đực có sừng to, cong và dài hơn con cái. Sừng con cái chỉ nhú lên một chút ở đỉnh đầu.
 
Kiến vương cái có sừng ngắn hơn và phần phía đuôi phía sau sần sùi hơn con đực. Trên đầu Kiến vương có một sừng cong quặt vào trong, nhìn giống sừng tê giác, vì vậy mới được gọi là bọ hung tê giác. Phía trên đỉnh đầu còn có một phần nhú ra, trông tựa như chiếc sừng nhỏ.
 
Kiến vương đẻ trứng trong những thân dừa, gốc dừa mục, ẩm, đống rác, phân trâu bò, rơm mục, thân bắp, lá mía… Trứng có hình tròn, màu trắng, có đường kính từ 3 – 4mm. Sau 7 – 18 ngày, trứng phát triển thành ấu trùng.
 
Ấu trùng Kiến vương có màu trắng đục, thường gập cong thân lại, đầu màu nâu và mang 3 đôi chân. Ấu trùng phát triển đầy đủ có kích thước từ 60 – 105mm. Chúng nằm trong lòng đất, ăn các thức ăn có xung quanh như gỗ mục, rơm rạ phân hủy, mùn dừa…
 
Nhộng có màu nâu nhạt, nằm trong một cái kén làm từ đất, gỗ mục hoặc xơ dừa. Nhộng phát triển trong kén từ 14 – 29 ngày, sau đó phá kén bay ra ngoài.
 
Vào mùa mưa, Kiến vương kết thúc quá trình hóa nhộng, đục vỏ kén bay ra ngoài kết đôi sinh sản. Chúng xuất hiện nhiều nhất khoảng từ tháng 7 – 10 trong năm. Ban ngày, Kiến vương ẩn mình trong tán cây, kẽ lá, chờ đến đêm bay ra ngoài kiếm ăn và tìm bạn tình.