NAI
Nai có tên khoa học là Cervus Unicolor Equinus, thuộc họ Hươu nai (Cervidae), bộ Móng guốc chẵn (Artiodactyla).
Nai phân bố ở vùng Đông Dương đến bán đảo Mã Lai, là loài bản địa có ở Việt Nam. Ở Việt Nam trước đây, khi còn nhiều rừng, nai có rất nhiều ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Hiện nay, số lượng nai trong tự nhiên giảm sút rất mạnh, chỉ còn ở một số tỉnh Tây Nguyên.
Nai thuộc loài to lớn trong họ Hươu nai, có thân hình cao to vững chắc, chiều cao từ 100 – 140cm, với khối lượng từ 80 – 220kg. Nai có bộ lông màu nâu đen, nhạt hơn ở phần dưới cằm, phía trong chân, giữa hai mông và phần dưới đuôi. Bộ lông dày và sáng màu hơn vào mùa lạnh, mùa nóng nhiều lông rụng và có màu tối hơn. Nai cái và nai con có màu sắc lông nhạt hơn con đực.
Nai có hiện tượng thay lông hàng năm, từ tháng 1 – 5. Trước khi thay lông, bộ lông cũ qua mùa đông bạc màu đi rõ rệt, trở nên xơ xác. Sự thay lông còn diễn ra thành từng đám nham nhở, trông con vật rất xấu và gầy đi nhiều. Mắt to trong sáng, tuyến lệ rất phát triển. Khi trong đàn Nai cái có con động dục thì Nai đực có tuyến lệ chảy sệ xuống nhìn thấy rất rõ.
Khối lượng Nai đực từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi cao hơn nai cái. Giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi, tăng trọng của Nai con nói chung nhanh hơn, vì được hưởng nguồn chất dinh dưỡng từ sữa mẹ. Giai đoạn 6 – 12 tháng tuổi, trọng lượng Nai tăng chậm hơn. Trong điều kiện nuôi nhốt, Nai sơ sinh trung bình đạt trọng lượng 5,84 kg, khi 6 tháng tuổi đạt 30kg và khi 12 tháng tuổi đạt 41,25kg.
Nai rất nhút nhát, thính giác, khứu giác phát triển tốt giúp chúng tránh được nguy hiểm nếu bị kẻ thù xâm hại. Nai có tập tính bầy đàn cao, thường thích sống theo nhóm nhỏ khoảng 3 con, thông thường là một gia đình. Khi nằm nghỉ hay nhai lại, chúng thường tụ tập theo loài riêng rẽ.
Chúng thường sinh sống ở trảng cỏ, rừng thưa có nhiều cây, cỏ. Ban ngày, Nai thường tìm nơi yên tĩnh, kín đáo và an toàn để ngủ, nghỉ. Ban đêm, chúng tìm kiếm thức ăn và những hoạt động khác. Thức ăn của Nai chủ yếu là cỏ, lá non, cành cây và các loại củ quả. Các loại cây Nai thích ăn là lá sung, lá mít, lá vả.
Nai động dục theo 2 mùa, mùa động dục chính từ tháng 2 – 5, mùa động dục thứ hai từ tháng 7 – 9 (nhưng ở Tây Nguyên, ghi nhận mùa động dục của Nai lại từ tháng 1 – 3 và từ tháng 7 – 9). Nai có 2 mùa sinh sản rõ rệt: mùa sinh sản chính từ tháng 11 – 2 năm sau, mùa sinh sản thứ hai từ tháng 4 – 6. Trong điều kiện nuôi nhốt, khả năng sinh sản của Nai tốt hơn, tuổi thành thục về giới tính con đực là 35,6 tháng, con cái từ 33,1 tháng, tuổi đẻ lứa đầu con cái 42 tháng. thời gian mang thai 255,6 ngày, chu kỳ động dục 27 ngày.