PƠ MU

Pơ mu có tên khoa học là Chamaecyparis Hodginsi (Dum) Rushforth, họ Hoàng đàn.

Pơ mu là loài cây đặc hữu của Việt Nam và Trung Quốc. Tại Việt Nam, Pơ mu mọc trên các địa hình đất đá vôi hay đất gốc Granit, từ độ cao 900m – 1.800m. Pơ mu mọc hỗn giao trong rừng lá rộng thường xanh. Cây cần có khí hậu mát mẻ, nhiều mưa để phát triển và thường mọc trên các loại đất ẩm trong các khu vực miền núi như Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, dọc dãy Trường Sơn, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông. Ở Lâm Đồng, Pơ mu phân bố ở vùng Biduop – Núi Bà.

Pơ mu là cây thân gỗ lớn, chiều cao trung bình từ 25 – 30 m. Vỏ cây màu ánh nâu hoặc nâu xám, rất dễ bị tróc khi cây còn non. Khi cây già hơn, trên vỏ có các vết nứt theo chiều dọc, ngửi có mùi thơm. Các lá được sắp xếp trong hệ thống cành nhánh nhỏ nằm trên một mặt phẳng. Lá Pơ mu bố trí thành cặp chéo chữ thập đối, so le nhau, dài khoảng 2 – 5mm, phía trên xanh sẫm với các dải khí khổng màu trắng phía dưới. Nón đơn tính cùng gốc, nón đực hình trứng hay hình bầu dục, dài 1cm, mọc ở nách lá. Nón cái có hình cầu, mọc ở đỉnh của cành ngắn, khi chín tách thành 5 – 7 đôi vảy, màu đỏ, hóa gỗ. Mỗi vảy hữu thụ mang hai hạt có hai cánh không bằng nhau. Mùa quả chín vào tháng 9 – 10.

Pơ mu là một loại gỗ quý, bền, có mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp, đặc tính không bị mối mọt phá hoại, vì thế gỗ được sử dụng để làm các đồ mĩ thuật, gia dụng. Rễ và thân chứa tinh dầu thơm có thể chiết xuất làm hương liệu.

Gỗ Pơ mu thuộc nhóm IIA, nhóm những loại thực vật rừng hạn chế khai thác hay sử dụng vì mục đích thương mại. Hiện nay, Pơ mu đang bị khai thác quá mức do có giá trị xuất khẩu cao, rất cần được quan tâm bảo vệ và gây trồng để bảo tồn và phát triển.