RẮN HỔ MANG

Rắn Hổ mang có tên khoa học là Naja Naja, thuộc họ Rắn Hổ Elapidae, bộ Có vảy Squamata.

Rắn Hổ mang phân bố ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, chúng phân bố rộng rãi ở đồng bằng, trung du, miền núi.

Rắn Hổ mang là rắn độc cỡ lớn, dài trung bình khoảng 1m và có thể dài tới 2m. Đầu rộng và hơi dẹp, không phân biệt với cổ, có một đôi móc độc mọc ở phía trước hàm trên. Lưng có màu vàng lục, nâu thẫm, đen, đồng màu hoặc có những dải hoa văn như những vạch ngang đơn hoặc kép sáng màu. Hoa văn ở cổ Hổ mang nhìn rõ khi chúng bạnh cổ, bao giờ cũng bạnh theo chiều ngang sang hai bên. Mặt bụng phần cổ có một dải rộng sẫm màu nằm ngang. Lưng thường có màu nâu sẫm, hay vàng lục và những vạch ngang nhỏ hơi sáng.

Rắn Hổ mang thường ẩn trong hang chuột, hang mối ở đồng ruộng, làng mạc, vườn tược, bờ đê, gò đống, dưới các gốc cây, bụi tre. Chúng kiếm ăn vào ban đêm, chủ yếu ăn chuột, song ăn cả rắn, thằn lằn, ếch nhái và cóc. Rắn non chủ yếu ăn ếch nhái. Rắn Hổ mang lột xác quanh năm, nhiều nhất vào tháng 8 và các tháng trong mùa trú đông (tháng 12 – 2), giao phối vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, đẻ trứng vào tháng 6 – 7, mỗi lứa đẻ từ 6 – 20 trứng. Rắn mẹ quấn lấy trứng để bảo vệ. Trứng nở sau 50 – 57 ngày. Rắn non thường dữ hơn rắn trưởng thành. Con sơ sinh dài từ 250 – 270mm đã có khả năng bạnh cổ, cắn chết người (lượng nọc tối thiểu làm chết người là 15mg).

Rắn Hổ mang đang có sự suy giảm quần thể (ít nhất 50%), cùng với sự suy giảm chất lượng địa bàn cư trú, do sự khai thác môi trường, mở rộng đô thị, đường xá, săn bắt triệt để, buôn bán trái phép.