RÙA ĐẦU TO
Rùa đầu to có tên khoa học là Platysternum Megacephalum, thuộc họ Rùa đầu to Platysternidae, bộ Rùa Testudinata.
Rùa đầu to phân bố ở Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia. Ở Việt Nam, rùa đầu to phân bố tại các vùng núi miền Bắc, một phần miền Trung và Tây Nguyên.
Rùa cỡ trung bình nhỏ, khi trưởng thành có thể đạt khoảng 20cm. Đầu to, không thụt vào trong mai được. Bên đầu có một vệt vàng nhạt chạy từ mắt tới cổ. Mỏ to, giống như mỏ chim vẹt. Mai rất dẹp, màu xám, hình mái, cao ở đỉnh, có gờ rất rõ và thuôn xuống hai bên. Bụng màu vàng nhạt. Đuôi dài gần bằng chiều dài thân. Rùa sống ở các suối trong rừng thường xanh, núi cao còn tốt, nơi có nhiều đá tảng, nước sâu, trong và có dòng chảy chậm. Ban ngày, chúng ẩn dưới các tảng đá hoặc phơi nắng bên bờ suối và đi kiếm ăn vào lúc xẩm tối hoặc ban đêm. Thức ăn chủ yếu là cá nhỏ, thân mềm, cua, giun đất và những động vật không xương sống khác. Ở dưới nước, chúng là những con vật rất nhanh nhẹn và khát máu. Chiếc mỏ vẹt cực khỏe của chúng là vũ khí rất lợi hại, có thể cắt đứt đôi một chú cá chỉ bằng một cú đớp. Rùa đẻ khoảng 2 trứng vào mùa Hè.
Hiện nay, số lượng Rùa đầu to đang suy giảm nghiêm trọng do diện tích rừng nguyên sinh mất dần, đặc biệt là tình trạng săn bắt quá mức. Đây cũng là loài rùa khó nuôi sinh sản trong điều kiện nhân tạo. Rùa đầu to có tên trong danh sách đỏ động vật Việt Nam, với mức đe dọa hạng R (hiếm gặp trong tự nhiên).