THAN NÂU
Than nâu là một khối đặc hoặc xốp, màu nâu, thường không có ánh, hình thành từ quá trình rừng cây bị vùi lấp cách đây khoảng 36 triệu năm. Than nâu có độ cứng kém, khả năng sinh nhiệt thấp và chứa nhiều tro. Ngoài ra, Than nâu cũng có độ ẩm cao và thường có lưu huỳnh ở mức 1 – 2%, mức độ biến chất thấp. Nếu để thành đống lâu ngày, Than nâu sẽ bị oxy hóa, vụn ra thành bột, tự sinh nhiệt mà bốc cháy, nên gây nhiều khó khăn cho việc bảo quản. Do khả năng sinh nhiệt thấp, nên Than nâu ít khi được vận chuyển xa, thường chỉ được sử dụng trong nhiệt điện, trong sinh hoạt hoặc biến than thành nhiên liệu dạng khí.
Than nâu ở Lâm Đồng có mặt trong trầm tích đầm hồ Neogen, được phát hiện tại nhiều điểm. Mỏ Đại Lào (thành phố Bảo Lộc) có khả năng khai thác công nghiệp khoảng 80 – 150 ngàn tấn, trữ lượng 8,5 triệu m3. Mỏ có 2 – 4 lớp than dày từ 0,5 – 1,5m, xen kẹp các lớp sét. Than nâu có thể sử dụng làm chất đốt (nhiệt lượng Q = 21.725.327 Kcal/kg), sử dụng làm chất cách nhiệt, phụ gia trong sản xuất phân bón, hoặc phụ gia sản xuất xi măng.