THIẾC
Thiếc là kim loại có màu trắng bạc; kết tinh cao, tính dễ uốn và dễ dát mỏng. Khi dùng một thanh Thiếc bẻ cong lại, chúng ta sẽ nghe có âm thanh bị nứt vỏ của thiếc, đó là do hiện tượng sóng tinh của tinh thể. Quặng thiếc khi đun ở nhiệt độ khoảng 8000C thì nóng chảy và tạo ra kim loại Thiếc.
Thiếc tinh được sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc, Indonexia, Malaysia, Peru,… Tại Việt Nam, sản lượng Thiếc tinh khai thác khoảng 2 tấn/tháng.
Thiếc được sử dụng phổ biến như là một lớp mạ trên bề mặt các kim loại dễ bị oxy hóa như sắt, để làm hộp đựng thực phẩm, nước giải khát, giúp tăng tính thẩm mỹ và không độc hại. Thiếc cũng được kết hợp với đồng để tạo ra hợp kim đồng thiếc và với chì để tạo ra hợp kim hàn. Hợp chất Thiếc, Florua chứa Thiếc thường được cho vào kem đánh răng để chống sâu răng.
Lâm Đồng là nơi có nguồn khoáng sản Thiếc khá phong phú, chủ yếu trong các vành phân tán Caxiterit. Các vành này phân bố rộng ở vùng sơn nguyên Đà Lạt, vùng Lâm Hà, Di Linh. Số lượng quặng khai thác trong các năm 1989 – 1992 mỗi năm từ 300 – 1.000 tấn (số Thiếc tinh luyện năm 1992 đạt trên 400 tấn). Về chất lượng, quặng Caxiterit Lâm Đồng có hàm lượng Thiếc (Sn) từ 50 – 70%. Một kết quả phân tích theo phương pháp kích hoạt cho thấy, với mẫu nghiền mịn (200 mesh), hàm lượng Thiếc (Sn) là 64%; Stibi 0,7%, Asen 0,008%; Đồng 0,04%; Vonfram 0,09%; Scandi 0,003%; Natri 0,5%; Nhôm 2,5%; Mn 0,0013%; Mg 0,6%; Vanadi 0,003%.
Thiếc tại tỉnh Lâm Đồng có hàm lượng khá cao (khoảng 99,75%), được thị trường các nước Malaysia, Singapore, Đài loan… ưa thích. Để tiện việc chuyên chở và buôn bán, Công ty khoáng sản Lâm Đồng đã tạo khuôn và cho ra các thỏi thiếc vuông vắn với trọng lượng trên 25kg/thỏi.