THÔNG BA LÁ

Thông ba lá có tên khoa học là Pinus Kesiya Royle ex Gordon, họ Thông (Pinaceae).

Thông ba lá là loại thực vật mọc thuần loại, có thể mọc trên đất xấu nhưng thoát nước, đặc biệt phù hợp với khí hậu mát, nhiều sương mù; thường phân bố ở độ cao trên 900m. Trên thế giới, Thông ba lá phân bố ở miền Nam Trung Quốc, Lào, Bắc Thái Lan, Philippin, Myanmar và miền Đông Ấn Độ, hiện đã được đưa trồng ở khắp các khu vực nhiệt đới trong vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, Thông ba lá có ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, các tỉnh Tây Nguyên trong đó có Lâm Đồng.

Thông ba lá là cây gỗ lớn, cao 20 – 30m, thân thẳng, tròn, vỏ dày màu nâu sẫm và nứt dọc sâu, bong ra từng mảng to. Lá hình kim, màu lục sẫm, mềm, thường có 3 lá mọc cụm trong một bẹ ở đầu cành ngắn; lá dài 15 – 20cm, bẹ dài 1 –  2cm. Hoa đơn tính cùng gốc, nón cái hình trứng rộng thường cong xuống, cuống ngắn hay gần như không cuống, dài 5 – 9cm, chín trong 2 năm, vảy chín có đầu hơi lồi, đôi khi có mũi nhọn dạng gai, có hai đường gờ ngang và dọc đi qua giữa mặt vẩy. Hạt có cánh dài 1,5 – 2,5cm. Mùa quả chín vào tháng 10 – 11.

Trong bảng phân loại gỗ Việt Nam, gỗ Thông ba lá được xếp vào nhóm IV, nhóm gỗ có màu tự nhiên, thớ mịn, tương đối bền chắc, dễ gia công. Gỗ Thông ba lá thường được sử dụng làm thùng đựng hàng, đóng toa xe, làm trụ mỏ, đóng đồ gia dụng, là nguyên liệu sản xuất bột giấy, đặc biệt là trong công nghệ chế biến gỗ dán, sợi tổng hợp.

Tinh dầu Thông ba lá còn được dùng làm thuốc bôi, có tác dụng kích thích tại chỗ, giúp lưu thông máu với bệnh viêm thấp khớp, hay cảm lạnh. Tinh dầu thông mang tính sát trùng mạnh nên còn có công dụng làm thuốc diệt khuẩn đường hô hấp như thuốc ho, thuốc xông họng. Tinh dầu thông cũng là nguồn nguyên liệu phổ biến trong công nghiệp hoá mỹ phẩm, làm dung môi trong công nghiệp sơn hay vecni, công nghiệp tuyển quặng và sản xuất thuốc trừ sâu thảo mộc.

Hiện nay, diện tích rừng Thông ba lá trong tự nhiên đã bị thu hẹp, khai thác bất hợp lý, đặt ra nhiệm vụ phải bảo vệ các khu rừng Thông ba lá tự nhiên sẵn có, đồng thời với việc mở rộng diện tích trồng mới và nghiên cứu khai thác, chế biến nhựa đạt hiệu quả kinh tế, xã hội cao.