THÔNG ĐỎ
Thông đỏ có tên khoa học là Taxus wallichiana, họ Thanh tùng Taxaceae.
Thông đỏ phân bố chủ yếu ở những vùng cận nhiệt đới với độ cao khoảng 1.000 – 2.000m. Ở Việt Nam, Thông đỏ chủ yếu phân bố ở các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Hà Tĩnh.
Tại Lâm Đồng, Thông đỏ phân bố tại hẻm núi quanh địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt.
Thông đỏ thuộc dòng thân gốc rễ cạn, rễ cọc kém phát triển, nằm trong số những loài thực vật lâu năm nhất trái đất và phát triển rất chậm. Thông đỏ nằm trong nhóm cây thường xanh lá kim, dáng mọc thẳng và phát triển cao lớn trong môi trường sống phù hợp. Ở độ tuổi trưởng thành, Thông đỏ có thể cao tới 20 – 35m với đường kính thân trung bình khoảng 1m. Thông đỏ có tán hình chóp nón, lớp vỏ ngoài dày màu xám nâu, có mùi thơm đặc biệt từ gỗ và tinh dầu.
Lá Thông đỏ là loại lá kim, có màu vàng xanh, dài khoảng 12 – 18cm với cuống lá ngắn, lá mọc cách, xếp thành hai dãy theo đường thẳng, dài từ 2 – 3,5cm, rộng khoảng 2 – 3mm. Hạt Thông khi chín có hình trứng và được bao bọc bởi một áo hạt màu đỏ nhạt.
Thông đỏ thuộc nhóm gỗ IA, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Trong sách đỏ Việt Nam 2007, Thông đỏ được xếp vào cấp VU – loài sẽ nguy cấp.
Thông đỏ được xem là thảo dược vàng. Những hoạt chất quý hiếm có trong vỏ và lá cây Thông đỏ được liệt kê gồm có Taxol, Clorophyl, Pine Bark Extract… Tuy nhiên, dược tính không được dùng trực tiếp mà dùng trong điều chế các loại thuốc đẩy lùi bệnh, đặc biệt là tế bào ung thư. Một số nghiên cứu y tế hiện đại chứng minh hiệu quả của dược liệu nhờ các thành phần chính là:
– Paclitaxel (Taxol): Paclitaxel được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực điều trị, là thành phần quan trọng trong điều chế xuất thuốc Paclitaxol và Taxol – nhóm thuốc chính có vai trò làm chậm sự phát triển của ung thư buồng trứng, vú, phổi…
– Chất chống oxy hóa: Trong cây Thông đỏ có nhiều thành phần hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa. Trong đó sự kết hợp của Vitamin A, Carotene và Rustin là những thành phần chính giúp tạo chất chống oxy hóa từ dược liệu này. Chất chống oxy hóa trong cây Thông đỏ cũng được ứng dụng để bảo vệ cơ thể khỏi các rối loạn hệ thống thần kinh và thoái hóa cơ bắp.
– Hoạt chất Clorophyl: Thành phần Clorophyl có trong cây Thông đỏ có tác dụng tương tự như Hemoglobin, đều là những hợp chất chịu trách nhiệm cung cấp oxy cho máu.
– Hoạt chất Phenol: Thông đỏ có thành phần Phenol dồi dào, tác dụng trong hiệu quả khử trùng, chống oxy hóa và chống viêm.
Ở Lâm Đồng, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà là một trong các đơn vị tham gia chương trình bảo tồn cây Thông đỏ của tỉnh. Kết quả sau nhiều đợt điều tra, khảo sát, đã phát hiện một quần thể lớn Thông đỏ thuộc lâm phần quản lý, ước tính có hơn 200 cây Thông đỏ đường kính gốc lớn hơn 25 cm, cây lớn nhất có chu vi đo tại vị trí cao 1,3m là 4,6m. Với diện tích hơn 66.000 ha, đây là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, nằm trong vùng đa dạng thứ hai về cây lá kim của Việt Nam.