THÔNG NĂM LÁ ĐÀ LẠT

Thông năm lá Đà Lạt, hay còn gọi Thông năm lá, có tên khoa học là Pinus Dalatensis, họ Thông (Pinaceae).

Thông năm lá có mặt ở các tỉnh như Kon Tum, Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng. Riêng ở Lâm Đồng, Thông năm lá thường tìm thấy ở rừng Biduop – Núi Bà.

Thông năm lá mọc hỗn giao trong rừng lá rộng hỗn giao trên núi cao 1.500 – 2.000m, nơi có độ ẩm cao. Cây Thông trưởng thành thường phân bố rất đều nhau, cây tái sinh rất hiếm. Cây gốc lớn, thường xanh, cao 20 – 30m, tán lá hình nón thưa. Vỏ màu nâu đen, nứt dọc, bong ra thành từng vảy lớn, các cành ngắn mọc thành cụm ở đầu cành.

Lá mọc cụm với 5 lá kim ở đỉnh, dài 6 – 7cm, mặt cắt ngang hình tam giác, cạnh có răng cưa nhỏ. Nón đơn tính, cùng gốc. Nón cái thành thục hình trụ, dài 5,5cm – 10cm. Hạt hình đứng, màu nâu, dài 0,8 – 1cm, mang cánh dài ở trên đầu. Mùa quả chín vào tháng 8 – 10. Bên trong quả Thông năm lá chứa rất nhiều hạt lớn, kích thước trung bình khoảng 0,5 X 1cm.

Gỗ của Thông năm lá rắn chắc, có mùi thơm, dễ chế tác thành đồ gia dụng và nội thất. Cây có hình dáng đẹp, có thể trồng làm cây xanh ở công viên, đường phố.

Thông năm lá Đà Lạt là nguồn gen quý hiếm cần được bảo tồn. Hiện nay, Thông năm lá Đà Lạt là loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, chưa thấy tái sinh và mức độ đe dọa xếp vào bậc R.