TRẮC NGHỆ

Trắc nghệ có tên khoa học là Dalbergia Cochinchinensis, họ Đậu (Fabaceae).

Trắc nghệ là loài đặc hữu của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Cây mọc rải rác, có khi thành từng đám nhỏ trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh hay nửa rụng lá mưa mùa, ở độ cao 1.000m, trên đất phù sa cổ. Ở Việt Nam, Trắc nghệ phân bố từ Quảng Nam, Đà Nẵng trở vào đến Tây Ninh. Riêng ở Lâm Đồng, Trắc nghệ phân bố ở vùng Cát Tiên…

Trắc nghệ là cây gỗ lớn thường xanh hay nửa rụng lá, cao 15 – 20m. Tên gọi Trắc nghệ có lẽ vì gỗ rễ cây này có màu vàng nghệ. Vỏ ngoài màu vàng nâu, nứt dọc, có khi bong ra thành từng mảng mỏng lớn. Lá kép lông chim dài 25 – 25cm, mang 5 – 9 lá phụ hình voan, đầu thót nhọn, gốc tù, nhẵn, lá phụ tận cùng thường to nhất. Các lá phụ có độ dài trung bình 3,5 – 4,5cm, rộng 2,2 – 2,5cm. Cụm hoa hình chùy màu trắng mọc ở nách lá, dài 7 – 15cm, xẻ 5 răng nhẵn. Quả đầu mảnh, hình thuôn dài, gốc thót nhọn, đỉnh nhọn dài 5 – 6cm, rộng 0,5 – 1cm, thường có 1 hạt. Mùa hoa vào tháng 5 – 7, mùa quả chín tháng 10 – 11.

Trắc nghệ là loài gỗ quý, màu đỏ tươi, mặt cắt có hoa vân đẹp. Gỗ Trắc nghệ có giá trị kinh tế rất cao, dùng để đóng đồ mộc cao cấp, làm đồ mỹ nghệ.

Hiện nay, Trắc nghệ bị khai thác quá mức nên những cây lớn còn lại rất ít, tập trung ở các khu bảo tồn, rất cần được bảo vệ nghiêm ngặt.