TRĂN

Trăn có tên khoa học là Python molurus, thuộc họ Trăn Pythonidae, bộ Có vảy Aquamata.

 Trăn phân bố chủ yếu ở Ấn Độ và một vài nơi ở Nam và Đông Nam châu Á như Pakistan, Bănglađét, Xri Lanka, Nêpan, Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Inđonexia, Việt Nam.

Trăn có kích thước dài tới 8m (trung bình khoảng từ 4 – 6m). Đầu dài, nhỏ, màu nâu xám, mặt trên đầu có hoa văn hình mũi mác đi từ cổ, mũi nhọn hướng về phía đầu mõm. Hai tấm vảy môi trên, mỗi tấm vảy có một lỗ môi là cơ quan cảm giác nhiệt. Trên lưng màu xám nhạt hay vàng nhạt, có một dãy những vết lớn dài, màu nâu đỏ viền đen. Mặt bụng màu vàng hay nâu vàng, có những đốm nâu hay đen. Có hai cựa nhỏ, hình móng nằm ở hai bên khe huyệt. Cựa trăn cái ngắn, ẩn sâu trong hốc bên khe huyệt.

Trăn thường sống ở các rừng thưa, savan, cây bụi hay ven các rừng già, ở các đồi núi thấp có nhiều bụi rậm khô ráo. Chúng ưa sống gần các khu vực nước, đầm lầy, có thể leo lên cây và thích cuốn mình vào những cành cây chìa ra trên mặt nước. Ở đồng bằng Nam Bộ, chúng ưa sống ở những nơi đầm lầy, rừng tràm, rừng sú vẹt ngập nước, đôi khi còn xâm nhập cả vào những khu vực có vườn cây. Ở miền Bắc Việt Nam về mùa đông, chúng trú đông từ 2 đến 4 cá thể trong những hang hốc tự nhiên.

Trăn chủ yếu kiếm mồi vào ban đêm, nhiều nhất vào lúc xẩm tối. Chúng ưa ngâm mình trong nước vào những ngày nóng bức. Chúng ăn những loài thú nhỏ, chủ yếu là loài gặm nhấm, đôi khi cả hươu nai cỡ nhỏ, cả chim và ếch nhái, bò sát. Trăn sinh sản hàng năm, giao phối từ tháng 10 đến tháng giêng năm sau. Trong mùa giao phối, thường có 3 – 5 trăn đực tìm đến một trăn cái. Cuối cùng chỉ có một con đực được giao phối, còn các cá thể đực khác cuốn với nhau thành một búi lớn. Trăn cái mang thai khoảng 60 – 65 ngày, đẻ từ 15 đến 60 quả trứng, ấp trứng bằng cách cuộn lấy ổ trứng. Sau khoảng hai tháng (56 – 65 ngày) thì trứng nở. Trăn non dài khoảng 52 – 61cm, nặng khoảng 80 – 140g, lột xác lần đầu khoảng 7 – 10 ngày sau khi nở.