TRĨ ĐỎ

Trĩ đỏ có tên khoa học là Phasianus Colchicus, họ Trĩ.

Trĩ đỏ sinh sống phổ biến ở vùng đồi núi thấp, độ cao lên tới 800m, nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm và rừng thông. Trên thế giới, người ta tìm thấy loài chim này ở vùng Đông nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, loài chim này phân bố tại Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Yên Bái…

Ở Lâm Đồng, Trĩ đỏ thường xuất hiện trong những cánh rừng ở BiDoup Núi Bà, vùng đồi núi thấp huyện Đức Trọng.

Trĩ đỏ có bộ lông nhiều màu sắc đẹp, đuôi dài và nhỏ. Con đực trưởng thành có đầu, họng và trước cổ xanh lục, các phần còn lại có màu nâu đỏ và nâu vàng với các chấm đen; phần dưới cơ thể, đặc biệt là phần ngực có gam màu tối hơn. Con cái trưởng thành lông có vằn, màu nâu điểm thêm các chấm đen, mắt nâu đỏ, da trần ở mặt đỏ tươi, phần mỏ và chân màu ngà. Thức ăn chủ yếu của Trĩ đỏ là ngũ cốc, hạt cỏ dại và côn trùng.

Chim Trĩ đỏ trong tự nhiên sẽ bắt đầu sinh sản lứa so vào tháng thứ bảy, thứ tám. Đối với chim trĩ đỏ nuôi thì sẽ sinh sản muộn hơn khoảng vài ba tháng, nhờ đó đàn chim giống mới có đủ điều kiện sinh sản tốt nhất về sau. Thời gian sinh sản kéo dài đến 7 – 8 năm, nhưng tốt nhất ở khoảng 5 năm đầu, khoảng thời gian sau trứng thường bị nhỏ và ít. Mỗi Trĩ đỏ đẻ khoảng 60 – 120 trứng.

Trĩ đỏ là loài chim có tên trong sách đỏ, thuộc loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ.