VƯỢN ĐEN BẠC MÁ

Vượn đen bạc má có tên khoa học là Hylobates Concolor Leucogienis, thuộc họ Vượn Hylobatidae, bộ Linh trưởng Primates.

Vượn đen bạc má phân bố chủ yếu ở vùng Đông bắc Campuchia và miền Nam Việt Nam, nhất là tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Vượn đen bạc má có thân dài 482 – 625mm, bàn chân sau dài 135 – 160mm. Con đực đen hoàn toàn, hai má có lông màu trắng nối nhau thành vệt trắng dưới cằm. Con cái lông màu vàng sẫm, lông quanh mặt tủa ngang, đỉnh đầu màu xám hoặc nâu đen. Vượn con (cả đực và cái) đều có màu lông vàng nhạt.

Vượn đen bạc má sống trong rừng già trên đỉnh núi cao, thường là núi đá. Chúng sống theo đàn từ 3 – 7 con như một gia đình, kiếm ăn chủ yếu vào ban ngày. Chúng di chuyển nhẹ nhàng, nhanh nhẹn trên cây, ít khi xuống mặt đất.

Chúng thường kiếm ăn trên cây cao. Thức ăn là quả, hạt, lá, chồi cây, côn trùng, trứng chim, chim non trong tổ. Vượn sinh sản khi 8 – 9 tuổi. Vượn cái có chu kỳ động dục 1 tháng 1 lần. Thời gian mang thai từ 200 – 214 ngày. Mỗi năm đẻ 1 lứa, hoặc 3 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ 1 con.

Hiện nay, Vượn đen bạc má đã được đưa vào sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Chúng xếp vào nhóm IB trong danh sách mục đông vật rừng nguy cấp và nhóm nguy cấp (EN) trong sách đỏ Việt Nam.