Bệ đá

Chất liệu: Đá sa thạch
Kích thước: Dài: 1,38m; Rộng nhất: 0,7m; Rộng nhất: 0,7m; Dày: 0,12m
Màu sắc: Xám xanh
Hình dạng: Hình bán nguyệt
Kỹ thuật chế tác: Thủ công
Nguồn gốc: Khai quật

Thông tin hiện vật

Hiện vật được phát hiện tại kiến trúc số 8, Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên năm 2003.

Cụm di tích kiến trúc số VIII nằm ở phía tây của di tích khảo cổ Cát Tiên, có tọa độ địa lý 11031’28’’ vĩ bắc và 107023’25’’ kinh đông, cách bờ sông Đồng Nai khoảng 40m về phía bắc và cách phế tích kiến trúc 1A khoảng 1.200m. Được tiến hành khai quật năm 2003, đây là cụm kiến trúc có quy mô lớn gồm một đền thờ và hai kiến trúc nhà dài.

Toàn bộ cụm kiến trúc số 8 được bao bọc bởi hệ thống tường bao hoàn chỉnh. Bên trong hệ thống tường bao là khoảng sân rộng được lát gạch có lối đi nối các kiến trúc lại với nhau tạo nên một khuôn viên rộng lớn khép kín.

Quá trình khai quật cụm kiến trúc số 8 đã phát hiện nhiều hiện vật bằng đồng như: đĩa, bát nhỏ, chân đèn, chũm chọe hay chuông đồng,… đặc biệt là tượng thần Ganesa và tượng nữ thần Uma nhỏ bằng sa thạch trong tư thế chiến thắng cầm binh khí đứng trên đầu trâu.

Bệ đá được chế tác từ đá sa thạch, nguyên khối. Bậc cửa có hình bán nguyệt, uốn cong mềm mại. Hai bên rìa hình bán nguyệt là hai khối trang trí nhô hẳn ra ngoài, thể hiện khối hình xoắn. Cạnh bên ngoài cong lồi, ở giữa khoảng cạnh ngoài có trang trí một khối nổi nhô ra phía trước, gồm một mũi nhọn thẳng dài ở giữa, hai bên là hai trụ tròn dính liền nhau tạo thành một khối thống nhất. Quanh rìa mép của mặt trên tấm đá được vát xéo hơi lõm lòng máng tạo thành đường diềm.

Đây có thể là bệ đá trang trí tại đền tháp?

Niên đại: từ thế kỷ VIII – IX SCN.