Chim Hồng Hoàng

Chất liệu: Da.
Kỹ thuật hoàn thiện: Nhồi bông
Kích thước/ trọng lượng: H: 60cm; R: 108cm.
Thời gian sưu tầm: 2018

Nội dung

Chim Hồng hoàng là loài chim quý được mệnh danh “Phượng hoàng đất” có tên khoa học Buceros bicornis, là loài chim mỏ sừng lớn nhất trong họ Hồng hoàng, với trọng lượng có thể lên đến 4kg, đạt chiều dài cơ thể 90-122cm. Những con trưởng thành có sải cánh rộng đến 1,6m: một sải cánh ấn tượng khiến chúng trông đồ sộ và oai vệ. Chúng phân bố ở vùng đồng bằng và vùng núi có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới ở một số nước Đông Nam Á, Ấn Độ và phía Nam Trung Quốc.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra loài chim này dựa vào kích thước, trọng lượng cơ thể to lớn và đặc biệt là chiếc mỏ cong, to dài liền với một mũ mỏ cong với màu sắc tươi tắn rực rỡ. Chiếc mỏ với mũ mỏ đặc biệt này thường có màu vàng, vàng cam tươi, dễ dàng nhận diện từ xa, được cấu thành từ chất sừng keratin.

Giống hầu hết các loài chim mỏ sừng khác, hồng hoàng trống có tròng mắt đỏ hoặc cam, còn con mái có đồng tử màu trắng và tròng mắt xanh ngọc hoặc lam nhạt. Chim hồng hoàng mái có tròng mắt màu xanh ngọc hoặc lam nhạt. Khi còn nhỏ, chúng có màu lông xám, dần trở lên đen tuyền khi trưởng thành. Nửa thân sau và phần đuôi có lông trắng điểm thêm một vành đen óng. Là loài ăn tạp, món ăn ưa thích của hồng hoàng là hoa quả, sâu bọ, côn trùng, thậm chí một số loài gậm nhấm nhỏ và cả các loài chim nhỏ khác. Thường sống thành đôi trong suốt cuộc đời, nên hồng hoàng còn được mệnh danh là loài chim chung thủy.

Tuy nhiên cũng có khi hồng hoàng hợp thành bầy lên đến 40 cá thể. Một trong những loài cây được hồng hoàng chuộng trú ngụ và làm tổ vào mùa sinh sản chính là cây tung (còn có tên gọi khác là thung, đăng, búng…) bởi hốc cây lớn và chiều cao lý tưởng của tung vừa vặn với kích thước to lớn của hồng hoàng, cùng với tập tính thích đậu nghỉ trên những tán cây cao. Những loài thực vật thân gỗ cao khác cũng là sinh cảnh lý tưởng cho hồng hoàng.

Hồng hoàng thường đậu nghỉ và làm tổ khi vào mùa sinh sản trên những cây cao. Hồng hoàng là loài chim chung thủy, ghép đôi và sống một vợ một chồng cả đời. Chim thường đậu ngủ trên các nhánh cây cao, chỉ làm tổ trong các hốc cây từ tháng 2-3 hàng năm để đẻ, ấp trứng và chăm sóc chim non. Chim mái ở trong lấp kín miệng tổ và chỉ rời tổ sau khoảng 3 tháng để cùng chim trống tìm thức ăn cho con và bảo vệ tổ từ bên ngoài. Chim non vẫn còn lưu lại tổ thêm khoảng 1 tháng trước khi sẵn sàng rời tổ. Với ngoại hình đẹp và độc đáo của mình, từ xa xưa hồng hoàng được nhiều bộ lạc tôn vinh là loài chim quý.

Từ xưa, lông chim hồng hoàng và chiếc mỏ sừng đẹp của chúng cũng được dùng làm đồ trang trí trong gia đình, làm đồ trang sức để làm đẹp và tăng thêm sức mạnh.

Cho đến nay nhu cầu săn bắt để lấy thịt và làm trang sức, nuôi làm cảnh loài chim quý này. Cùng với việc mất đi sinh cảnh là những cánh rừng nhiệt đới, và con người đã tràn tới phủ sự hiện diện đến khắp mọi miền, đã ảnh hưởng nặng nề đến không gian sống của hồng hoàng, khiến số lượng chim hồng hoàng trong tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng và chúng đã phải đứng mấp mé bên lằn ranh tuyệt chủng trong tự nhiên.

Hồng hoàng có tuổi thọ đáng kể. Trong tự nhiên chúng được cho là có tuổi thọ lên đến 40 năm. Trong môi trường nuôi nhốt chúng có thể đạt tuổi thọ đến 60 thậm chí 90 năm.

Chim Hồng Hoàng nằm trong Sách Đỏ IUCN và Sách Đỏ Việt Nam, được bảo vệ và cấm săn bắt ở nhiều quốc gia trên thế giới.