Cụm kiến trúc số VIII

Cụm di tích kiến trúc số VIII nằm ở phía tây của di tích khảo cổ Cát Tiên, có tọa độ địa lý 11031’28’’ vĩ bắc và 107023’25’’ kinh đông, cách bờ sông Đồng Nai khoảng 40m về phía bắc và cách phế tích kiến trúc 1A khoảng 1.200m. Được tiến hành khai quật năm 2003, đây là cụm kiến trúc có quy mô lớn gồm một đền thờ và hai kiến trúc nhà dài.

Kiến trúc 8A: có bình đồ chữ nhật có kích thước 10m x 6,5m, là một đền thờ được xây bằng gạch và đá, bẻ góc nhiều lần, cửa chính quay về hướng đông với các bậc cấp được làm bằng đá phẳng, nhẵn. Bậc thềm đá hình bán nguyệt uốn cong mềm mại. Lòng kiến trúc có mặt bằng hình vuông được lấp đầy bằng đá cuội và cát màu xám nhạt, nền sàn lát 2 lớp gạch liền khít xếp chồng lên nhau theo kỹ thuật hai viên dọc hai viên ngang. Lớp trên mặt sàn được lát bằng một lớp đá phiến với kích cỡ không đều nhau. Phần tường được xây thẳng đứng, giật cấp so với chân tường.

Kiến trúc 8B: có bình đồ hình chữ nhật, kích thước 10,8m x 7,2m nằm phía trước kiến trúc 8A, cấu trúc gồm hai phần: kiến trúc ban đầu và kiến trúc xây sau. Phần chân móng được xây ngay trên nền đất đắp, xây theo lối giật cấp nhỏ dần khi lên cao. Cửa quay về hướng nam nhìn vào khoảng sân chung của tổng thể kiến trúc số 8. Bên trong lòng kiến trúc có dấu vết tường xây ngăn. Các nhà nghiên cứu nhận định đây là một nhà dài có chức năng như một kho chứa đồ lễ vật phục vụ cho hoạt động hành lễ ở đền 8A.

Kiến trúc 8C: nằm ở vị trí song song với kiến trúc 8B, có bình đồ hình chữ nhật kích thước 12,0m x 7,0m. Kiến trúc này có cấu trúc tương đồng với kiến trúc 8B thuộc loại hình nhà dài.

Toàn bộ cụm kiến trúc số 8 được bao bọc bởi hệ thống tường bao hoàn chỉnh. Bên trong hệ thống tường bao là khoảng sân rộng được lát gạch có lối đi nối các kiến trúc lại với nhau tạo nên một khuôn viên rộng lớn khép kín.

Quá trình khai quật cụm kiến trúc số 8 đã phát hiện nhiều hiện vật bằng đồng như: đĩa, bát nhỏ, chân đèn, chũm chọe hay chuông đồng,… đặc biệt là tượng thần Ganesa và tượng nữ thần Uma nhỏ bằng sa thạch trong tư thế chiến thắng cầm binh khí đứng trên đầu trâu.

Qua những hiện vật thu được cùng với phong cách kiến trúc các nhà khoa học đoán định niên đại của cụm kiến trúc này vào khoảng thế kỷ VIII sau công nguyên.