Di tích kiến trúc IA
Di tích Kiến trúc IA, nằm ở tọa độ 11o 31’44,8’’ Vĩ Bắc và 1070 23’ 58,5’’ Kinh Đông, được phát hiện năm 1985 nằm trên đỉnh đồi khỉ, trong một khuôn viên rộng chừng 1500m2.
Năm 1996, các nhà khoa học đã tiến hành khai quật kiến trúc này. Ngôi đền tháp có bình đồ hình vuông 12m x 12m, cửa chính quay về hướng đông. Kiến trúc IA có quy mô lớn, ở vị trí cao nhất trong toàn bộ quần thể di tích khảo cổ cát tiên, được xem là một ngôi đền chính của khu di tích. Tường tháp được xây bằng gạch với kỹ thuật mài chập liền khít, các viên gạch được xây câu móc nhau tạo nên sự liên kết vững chắc. Liên kết giữa các viên gạch có một lớp sét mỏng màu trắng nhạt, có khả năng là chất kết dính. Tường phía Bắc cao 2,95 – 3,4m, tường phía Tây cao 2,8 – 3,1m, phía nam cao 2,9 – 3,1m và phía Đông cao 2,7 – 3,3m. Tường tháp được chia làm 2 phần rõ rệt: đế tháp và thân tháp. Dưới chân đế, bên ngoài tường tháp được lát gạch phẵng, rộng 0,9m vậy quanh tháp. Đế tháp cao 1,4m chia thành 5 lần cấp thu nhỏ dần, vươn lên cao tạo bệ đỡ thân tháp.
Tường thân tháp dấu vết còn lại cao 1,55m, tường dày 2,3m. Tường xây gạch liền khối liên kết vững chắc. Kỹ thuật xây liền khối không có chất kết dính. Tường xây vách thẳng đứng không có hoa văn trang trí. Từ đế tháp, tường thân tháp lên cao 0,15m từ thân tường nhô ra một hàng gạch dày 0,11m làm nên một đường diềm trang trí tường thân tháp. Hai góc tháp trang trí hệ thống cột giả. Cột giả thể hiện kép với hai cột song song chạy dọc theo thân rộng 0,5m, cột giả đục vào thân tường tháp tạo nên, cho nên chỉ có tác dụng trang trí cho tường tháp đỡ đơn điệu.
Nhìn tổng thể hệ thống tường tháp được xây dựng khối vững chắc, kết cấu hài hòa. Với đế tháp đồ sộ, quy mô lớn, việc thu nhỏ dần các tầng đế tháp tạo nên cảm giác đỡ nặng nề thanh thoát cho công trình kiến trúc.
Chính giữa tường phía Đông là cửa mở đi vào lòng tháp. Cửa lấp đầy những thanh đá dài, góc cạnh vuông vức. Đây là những thanh đá ốp tường cửa tháp sập xuống. Những thanh đá này số lượng nhiều rơi vương vãi trong lòng và ngoài tháp. Cửa tháp rộng 1,43m. Toàn bộ hệ thống cửa tháp được xây dựng bằng chất liệu đá có kích thước khá lớn tạo tác kỹ thuật cao, cắt góc vuông vức, mài phẳng nhẵn, tạo mộng chốt gá lắp liên kết với nhau. Hai thanh ốp cửa bị gãy đổ văng ra ngoài do công trình đổ sập xuống.
Phía bắc và đông bắc của mặt đồi còn xuất lộ một loạt các dấu vết của bức tường gạch bị đổ xong để nhận dạng và khẳng định chức năng của cấu trúc thì các nhà khoa học chưa nhận dạng được.
Lòng tháp có mặt bằng hình vuông, mặt nền được lát gạch phẵng; kích thước lòng tháp 6,4 x 6,4m. Chính giữa lòng tháp là bộ thờ Linga – Yoni.
Toàn bộ sân tháp phía được lát gạch nhưng bị hư hỏng bể nứt nhiều, chính giữa của tháp IA chạy thẳng ra sườn đồi có một đường xây gạch rộng 1,86m. Cách tháp IA về phía đông 17m sát sườn đồi có dấu vết của cổng tháp, với hai bức tường chạy ra hai bên theo hướng Bắc – Nam để lối đi rộng 1,86m dài 1,92m.
Từ những dấu tích của công trình kiến trúc này còn lại cho thấy:
– Về loại hình đây là lọa hình đền tháp thờ. Đền tháp có quy mô lớn, diện tích lòng đền thờ rộng. Đền tháp được xây bằng chất liệu gạch liên kết với nhau tạo khối vững chắc. Kỹ thuật xây các viên gạch được câu móc so le nhau, liên kết các viên gạch là chát kết dính, có khả năng là nhựa thực vật?.
– Họa tiết trang trí trên kiến trúc hầu như ít sử dụng, đế và tường tháp trơn, xây thẳng đứng.
Trong quá trình khai quật, hiện vật thu được rất nhiều loại hình, trong đó nổi bật là nhóm hiện vật kim loại vàng được chế tác bằng kỹ thuật khắc miết, dập nổi hình ảnh các vị thần, linh vật, hoa sen; hoặc các linga vàng, bạc,… đặc biệt là bộ linga – yoni bằng đá, đây là vật thờ của cư dân theo đạo Balamon.
Đặc biệt những hiện vật tìm được trong lòng tháp vô cùng phong phú có giá trị kỹ thuật, mỹ thuật và ý nghĩa tôn giáo, phản ánh sinh động nhiều mặt về đời sống xã hội, tinh thần, tôn giáo của chủ nhân di tích.
Căn cứ trên những đặc điểm kiến trúc và hiện vật thu được các nhà khoa học đã đoán định niên đại của phế tích kiến trúc gò IA ở vào khoảng thế kỷ VII – VIII sau công nguyên.