DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT KHẢO CỔ CÁT TIÊN

Huyện Cát Tiên nằm ở phía Nam tỉnh Lâm Đồng, có độ cao trung bình khoảng 400m. Đây là nơi có địa hình đồi núi thấp, xen lẫn vùng đất trũng ngập nước. Khu vực này nằm trong khu vực chuyển tiếp từ vùng cao Nam Tây Nguyên xuống miền đất Đông Nam bộ. Đất đai chủ yếu là đất phù sa chất lượng tốt. Vùng đất này nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm có 2 mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Ở Cát Tiên có hệ sinh thái rừng nhiệt đới phát triển với quần thể động thực vật phong phú, đa dạng.

Di tích khảo cổ Cát Tiên (thánh địa Cát Tiên) có tọa độ địa lý 11031’45,4’’ Vĩ Bắc và 107023’53,4’’ Kinh Đông, được phát hiện năm 1985, trải dài khoảng 15km dọc theo hệ thống sông Đạ Đờn – Đồng Nai từ địa bàn xã Đức Phổ đến xã Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Đây là quần thể kiến trúc nằm rải rác trên phạm vi rộng hàng trăm hecta được phân thành từng nhóm, nằm gọn trong các thung lũng hẹp nối tiếp, ngăn cách bởi những gò đồi và bãi bồi ven sông, được bao bọc bởi dãy núi cuối cùng hình vòng cung của dãy Trường Sơn Nam, tạo cho vùng này một cảnh quan hùng vĩ trong một không gian tương đối khép kín.

Qua 9 lần tổ chức khai quật khảo cổ cùng với các đợt điều tra, khảo sát, được tiến hành, kết quả đã làm xuất lộ nhiều phế tích, các công trình xây dựng với quy mô lớn với nhiều loại hình kiến trúc như mộ tháp, đền tháp, nhà chờ… Bên cạnh đó các nhà khảo cổ còn thu được rất nhiều di vật liên quan chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về di tích.

Các kiến trúc phát hiện tại di tích khảo cổ phần lớn được xây dựng theo chuẩn quy tắc của đền tháp ảnh hưởng Ấn Độ giáo ở nước ta như:

  • Bình đồ tháp xây dựng vuông hoặc hình chữ nhật, cửa tháp mở về hướng đông là phía các vị thần ngự trị, vòm cửa dẫn kéo dài, chất liệu xây chủ yếu là gạch, tỉ lệ kiến trúc các phần kết cấu hài hòa.
  • Biểu tượng thờ Linga – Yoni được đặt chính giữa lòng đền tháp.
  • Xử lý kết cấu lòng tháp, trụ giới, hiện vật chôn theo phù hợp biểu tượng kiến trúc.

Những hiện vật xuất lộ tại di tích khảo cổ Cát Tiên được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau như:  kim loại vàng, bạc, đồng, đá bán quý, sa thạch, gốm… Loại hình hiện vật vàng chủ yếu là các lá vàng mỏng trang trí  hình các vị thần, các biểu tượng tôn giáo và các ký tự cổ…Hiện vật đồng là các vật thờ, các đồ đựng, trang trí; Hiện vật đá là các bộ ngẫu tượng, các thành phần trang trí kiến trúc; loại hiện vật gốm là các đồ thờ tự và các đồ dùng trong sinh hoạt tôn giáo…

Căn cứ vào các phế tích kiến trúc cùng với trên 1.300 hiện vật đã xuất lộ, cho thấy vùng đất này từng tồn tại một vương triều, một xã hội có tổ chức với trình độ văn hóa phát triển vào khoảng thế kỷ VI – XI sau Công nguyên. Với kiến trúc, cách thức đặt hiện vật trong trụ giới, các loại hình hiện vật phát hiện trong lòng phế tích cho thấy di tích khảo cổ Cát Tiên là nơi hội tụ nhiều dấu ấn của các nền văn hóa khác nhau cả trong và ngoài nước. Các dấu ấn của văn hóa Phù Nam, Champa, Óc Eo đã được thể hiện rất sinh động tại di tích. Một vài hiện vật trong đó còn cho thấy sự xuất hiện của các hiện vật chịu ảnh hưởng của văn hóa khu vực Tây Á khá rõ nét.

Ngày 27/9/1997 tại quyết định số 2890/VH/QĐ, Di tích khảo cổ Cát Tiên được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp quốc gia. Ngày 31/12/2014 tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã công nhận đây là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Đã có nhiều hội thảo chuyên đề về di tích được tổ chức, thu hút các nhà khoa học, các nhà quản lý… để đánh giá lại khu di tích và hoạch định các chính sách trong việc nghiên cứu và phục dựng lại giá trị vốn có của nó. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của di tích Cát Tiên cùng với các hiện vật của di tích có ý nghĩa vô cùng quan trọng.