Dụng Cụ Bắt Mối

Chất liệu: Tre.
Màu sắc: Nâu đen.
Hiện trạng bảo quản: Nguyên.
Kỹ thuật hoàn thiện: Thủ công.
Kích thước: Cao 59cm; Đk miệng: 41cm

Thông tin hiện vật

Dụng cụ bắt mối của người Mạ ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Dụng cụ bắt mới được đan bằng lồ ô, nứa, dây mây.

Dụng cụ này dùng để bắt mối làm thức ăn. Đây là một trong những sản phẩm đan lát tiêu biểu từ tre nứa, dây mây, có dạng hình phễu với nhiều kích cỡ khác nhau. Điểm khác biệt của chụp mối với những dụng cụ đánh bắt khác là nó được đan 2 lớp tương đối giống nhau rất dày và chắc chắn. Thân của chụp mối được kết lại từ nhiều thanh tre nhỏ và dài; phần miệng lớn được làm bằng những sợi mây dài, vót mỏng; phần miệng nhỏ để trút mối ra thì dùng cỏ hay rơm rạ bịt kín lại khi bắt mối.

Vào đầu mùa mưa, họ thường vào rừng bắt mối. Để bắt mối dễ dàng, họ dùng khói thổi vào các cửa của ụ mối, sau đó dùng chụp mối chụp trên những cửa của gò mối. Khi mối bị say khói sẽ bò lên chui vào cái chụp mối và bị mắc kẹt lại trong đó. Khoảng 30 phút sau, họ nhắc chụp mối lên và lắc đều làm cho cánh mối rụng hết rồi đổ vào giỏ mang về. Mối được ủ chua trong những ống tre, nứa để thay cho mỡ và dầu ăn hoặc rang ăn với cơm, cháo chua.