Gạch kê chân cột

Chất liệu: Đất nung
Kích thước: Dài: 28,3cm; rộng: 12,8cm; dày 7,4cm
Màu sắc: Hồng nhạt
Hình dạng: Hình bán nguyệt.
Kỹ thuật chế tác: Thủ công
Nguồn gốc: Khai quật

Thông tin hiện vật

Gạch được khai quật tại kiến trúc 2A, Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên năm 1994.

Kiến trúc 2A được khai quật năm 1994, kiến trúc đền tháp có bình đồ hình vuông 7,8m x 7,8m, gồm nhiều lớp gạch xây giật cấp thu nhỏ dần lên trên làm nền cho tường tháp vươn lên. Thân tháp hướng Đông – Tây, cạnh dài 5,6m x 5,2m. Bốn cạnh là hệ thống cửa giả và cửa ra vào lòng tháp. Lòng tháp hình chữ nhật hướng Đông – Tây, cạnh dài 3,6m, rộng 3,4m. Tường tháp còn lại cao 0,85 đến 1,2m, xây bằng gạch. Kỹ thuật khắc tạc trực tiếp lên gạch, với đường nét khá mềm mại, tinh xảo.

Cửa chính quay về hướng đông, lòng tháp được lát đá phẳng, các thanh đá được cắt hình khối chữ nhật dẹt vuông vức, lát nối nhau tạo nên mặt phẳng. Nhìn tổng thể kiến trúc số 2A là loại hình tháp thờ, được xây dựng quy chỉnh, có quy mô tương đối lớn. Đế tháp cao, bề thế. Vật liệu xây dựng tháp chủ yếu là gạch tạo nên kiến trúc.

Gạch là vật liệu chính xây dựng duần thể Di tích Khảo cổ Cát Tiên.

Gạch có chất liệu đất sét hạt mịn, vỏ trấu. Áo màu hồng nhạt, bị mẻ nhỏ. Gạch được gia công hình khối, bán nguyệt, mặt cắt hình thang cân, hai cạnh bên hơi công lồi. Trên bề mặt của đáy nhỏ có vết mờ của một gờ tròn đèu nổi nhẹ. Đây là một phần của chân kê cột, ghép với một nữa còn lại tương ứng.

Gạch sử dụng xây dựng các kiến trúc ở Cát Tiên được chế tác hoàn toàn thủ công, nung với nhiệt độ nung khá cao nên gạch khá chắc. Năm 2006 khai quật khu vực Cánh Đồng Bảy Mẫu phát hiện dấu vết của những lò nung gạch. Điều đó khẳng định gạch được sản xuất tại chỗ, được nung trước khi sử dụng làm vật liệu xây dựng các kiến trúc. Các hoa văn trang trí chỉ được gọt đẽo trong quá trình xây dựng, không được chế tác hoa văn theo motip định sẵn.

Niên đại: Thế kỷ thứ VII.