Kiến trúc số 4

Kiến trúc số 4 nằm ở tọa độ 11031’42’’ vĩ bắc 1070 23’501’’ kinh đông. Kiến trúc có bình đồ hình chữ nhật, cửa chính quay về hướng đông.
Do bị đào phá nặng nề, nên hiện vật thu được còn lại rất ít. Vào năm 1993 trong cuộc thám sát của Viện khảo cổ Việt Nam đã tìm được một linga bằng đá thạch anh (sio2) có kích thước lớn, linga tạo dáng hình trụ tròn, đầu vê tròn thon nhỏ, kích thước cao 0,25m, chu vi 0,28m, theo giám định của viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, trọng lượng của linga là 3,435kg, thể tích 1.304ml3, độ cứng 7.
Đến năm 2020, kiến trúc số 4 được tổ chức khai quật. Khuôn viên được bao bọc bởi bờ tường cao, bên trong cũng có bờ tường bao lấy trung tâm kiến trúc chính, bờ tường liên kết với nhau tạo bởi một đường dẫn lát gạch, với cổng chính mở hướng đông và hai kiến trúc phụ nằm đối xứng nhau qua đường dẫn. Kiến trúc số 4 có những nét riêng biệt so với cấu trúc chung của các kiến trúc khác đã khai quật tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên. Đây là kiến trúc đơn lẻ khá lớn, nằm trong không gian riêng biệt và nằm giữa các kiến trúc đã khai quật. Kiến trúc trung tâm có tiền sảnh khá rộng nhưng không có hệ thống nhà dài, đặc biệt đường dẫn lên kiến trúc khá dài, được dẫn từ chân kiến trúc lên tháp chính tạo thành ba bậc khác nhau. Hai bên hành lang và sân sau khá hẹp so với tổng thể của kiến trúc.
Hệ thống tường bao gồm tường bao ngoài và tường bao trong, với cấu trúc tường khá giống nhau, gồm hai phần: chân móng và thân. Chân móng được xây gạch, gạch xếp kiểu hai viên nằm dọc xen kẽ hai viên nằm ngang, ở giữa chèn lớp đất màu hồng nhạt, trộn lẫn gạch vụn, kết cấu chặt. Phần thân tường phía trên có thể được xây gạch đặc với kỹ thuật xếp gạch tương tự, độ dày thân thu hẹp so với chân móng. Tường bao ngoài gồm 4 bờ tường khép kín, nằm theo hướng đông tây.
Có thể thấy rằng đây là loại hình kiến trúc tháp thờ có quy mô khá lớn, được xây dựng ở vị trí đẹp, có vật thờ bằng đá quý hiếm đã nói lên vai trò quan trọng của tháp trong tổng thể di tích. Qua những yếu tố trên các nhà khoa học đoán định niên đại kiến trúc số 4 vào khoảng thế kỷ VII-VIII sau công nguyên.