Kiến trúc số VII
Phế tích kiến trúc số VII có tọa độ địa lý 11031’30’’ vĩ bắc và 107024’01’’ kinh độ đông, được phát hiện và khai quật năm 2003. Đền thờ số VII nằm ở khoảng giữa kiến trúc số V và cụm kiến trúc số VI. Phía bắc kiến trúc là đường tỉnh lộ ĐT 721, phía tây cách kiến trúc 20m là con suối nhỏ. Về phía nam cách kiến trúc 25m là sông Đồng Nai.
Sau khi khai quật, đã xuất lộ toàn bộ một một kiến trúc gạch và đá có bình đồ hình chữ nhật. Kích thước 5,83m x 5,3m, cao 1,4m, bờ tường dày trung bình 0,53m, được xây theo kiểu hai viên gạch xếp ngang, một viên gạch xếp dọc và đảo lại. Chân móng kiến trúc được xây bằng đá sa tạch mềm. Phần tường được xây bằng gạch, kích thước trung bình dài 0,35m x 0,18m x 0,10m (dài x rộng x dày). Tường kiến trúc được xây tương đối phẳng còn khá nguyên vẹn. Ở giữa kiến trúc là khối vuông được xây nện, lát bằng hỗn hợp gạch đá mà chủ yếu là đá cuội tròn và gạch vỡ được đầm, lèn chặt, ổn định vững chắc. Xung quanh được gia cố bằng gạch nguyên và gạch vỡ, bề mặt được lát bằng những phiến đá sa thạch.
Quá trình khai quật cho thấy kiến trúc trung tâm có cấu tạo khá phức tạp, không thống nhất giữa phần dưới và phần trên. Được xây dựng trải qua hai giai đoạn: Ban đầu kiến trúc xây dựng với tính chất đền – mộ như kiến trúc số 5 có trung tâm là một khối trụ vuông xây bằng gạch, xung quanh bên ngoài được lèn bằng đá. Sau này vì lí do nào đó phần phía trên được tu sửa thành đền thờ hoặc đài thờ đặt Linga – Yoni. Vách tường ngoài phía bắc kiến trúc đã phát hiện một máng dẫn nước thiêng (Somasutra) xây bằng gạch ở độ sâu 50cm, dài 5,7m, rộng 40cm quay về hướng bắc, đây được coi là máng nước thiêng dài nhất trong các công trình kiến trúc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo tại Việt Nam.
Phần bên ngoài kiến trúc trung tâm sử dụng vật liệu gia cố là gạch vụn, đá dăm màu xanh đen, đá trầm tích màu vàng, đất sét vàng được trộn lẫn với nhau lèn chặt từ tường gạch ra phía ngoài. Phần gia cố thêm phía ngoài không đều nhau, chỗ dày chỗ mỏng. Phần phía tây và nam được gia công kiên cố hơn phía bắc và phía đông.
Theo đoán định của các nhà khoa học thì phế tích kiến trúc số VII có niên đại vào thế kỷ VII – IX sau công nguyên.