Linga
Chất liệu: Vàng
Kích thước: H: 1,8cm
Màu sắc: Vàng
Hình dạng: Hình trụ tròn
Kỹ thuật chế tác: Thủ công
Nguồn gốc: Khai quật
Thông tin hiện vật
Hiện vật được khai quật trong lòng tháp kiến trúc 6A, Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên năm 2003.
Kiến trúc số 6A là kiến trúc đền thờ, được khai quật năm 2003. Kiến trúc 6A có bình đồ hình chữ nhật 9,35m x 6,60m, cửa chính quay về hướng đông, có dạng bẻ góc cân xứng giữa hai phần bắc và nam qua trục đông – tây. Toàn bộ kiến trúc được xây trên nền đá sa thạch bị phân hủy. Kiến trúc có dạng hai hình vuông lồng vào nhau. Chính giữa hình vuông bên trong có một trụ thiêng có kích thước 0,74m x 0,75m.
Lối lên xuống được xây hình bán nguyệt bằng gạch, đây chính là điểm riêng biệt so với các kiến trúc khác trong quần thể di tích Cát Tiên. Kiến trúc 6A không thấy đá dựng khung cửa hay đá lát lối lên xuống, các nhà khoa học tìm thấy dấu vết của các lỗ chân cột ở xung quanh tường móng kiến trúc 6A. Phía trên kiến trúc này có thể được làm bằng một loại vật liệu nhẹ, không có tường bao ở xung quanh, khác hẳn so với các kiến trúc khác tại di tích khảo cổ Cát Tiên.
Linga được khai quật trong lòng kiến trúc số 6A. Linga được chế tác bằng chất liệu vàng khá tinh xảo, sử dụng kỹ thuật gò hoặc mài. Linga có 3 phần khá đều nhau. Phần trên hình trụ tròn; phần giữa hình bát giác, các cạnh đều nhau; phần đế hình vuông. Trên đầu Linga có khắc tạc cột thiêng và mi thiêng. Toàn bộ bề mặt linga được mài nhẵn bóng, không trang trí hoa văn.
Linga kết hợp với Yoni là hai vật thờ của cư dân theo đạo Bàlamôn, Linga tượng trưng cho nguyên lý dương và Yoni tượng trưng cho nguyên lý âm. Sự giao hòa âm – dương là nguồn gốc của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật trong vũ trụ và cũng là nét đặc trưng trong tập tục thờ cúng của các cư dân nông nghiệp theo Ấn Độ giáo.
Đây là hiện vật thờ cúng, vị trí khai quật trong lòng trụ giới của kiến trúc 6A.