Linga
Chất liệu: Đá sa thạch
Kích thước: Dài: 13,7cm; Rộng: 10,6cm
Màu sắc: Màu xám xanh
Hình dạng: Hình trụ
Kỹ thuật chế tác: Ghè đẽo thủ công
Nguồn gốc: Khai quật
Thông tin hiện vật
Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên được phát hiện năm 1985. Đây là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch, trung tâm di tích tại xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Qua nhiều lần tổ chức khai quật khảo cổ học cùng với các điều tra, thám sát, kết quả đã làm xuất lộ nhiều loại hình kiến trúc như mộ tháp, đền tháp, nhà chờ, thu được hơn 1300 hiện vật. Niên đại di tích được đoán định vào khoảng thế kỷ VI – XI sau công nguyên.
Di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Di tích Khảo cổ Cát Tiên mang lại nhiều thông tin khoa học: sử học, dân tộc học, kiến trúc và nghệ thuật. Những giá trị Lịch sử – Văn hóa phong phú và tiềm năng du lịch hấp dẫn đã đưa Di tích khảo cổ Cát Tiên lan tỏa, khẳng định đây là một di sản văn hóa vô giá trên vùng đất Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ của nước ta.
Linga được khai quật tại kiến trúc số IV, Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên năm 2001. Linga được chế tác từ chất liệu đá, có dáng trụ tròn, đáy thẳng, phần đầu có dạng cong nửa cầu, bề mặt có nhiều vết xước.
Linga – Yoni là hai vật thờ của cư dân theo đạo Bàlamôn, Linga tượng trưng cho nguyên lý dương và Yoni tượng trưng cho nguyên lý âm. Sự giao hòa âm – dương là nguồn gốc của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật trong vũ trụ và cũng là nét đặc trưng trong tập tục thờ cúng của các cư dân nông nghiệp theo Ấn Độ giáo.
Ngẫu tượng thờ Linga – Yoni có nguồn gốc từ tôn giáo Ấn Độ. Hình tượng Linga – Yoni đầu tiên tìm được tại di chỉ văn hóa Harappa Nam Ấn Độ. Sau này khi người Aryan vào đất Ấn Độ thì tín ngưỡng này được đưa vào hệ thống thần thoại Ấn Độ. Khi ra đời bộ sử thi Ramayana và Mahabharata, hệ thống thần linh đã khá hoàn chỉnh trong đó có ba vị thần chính (Visnu, Shiva và Brahma) cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các vị thần liên quan đến đời sống, xã hội, tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo của cư dân.