Mã kiến trúc số VI

Cụm phế tích kiến trúc số VI nằm ở tọa độ địa lý 110 31’31’’ vĩ bắc và 107023’50’’ kinh đông, là một gò lớn diện tích khoảng 1.000m2. Cụm phế tích kiến trúc số VI gồm 02 phế tích kiến trúc chính được đánh số thứ tự A, B khai quật năm 2003, đây là một loại hình kiến trúc thờ, xây bằng gạch và đá.

Kiến trúc 6A: có bình đồ hình chữ nhật 9,35m x 6,60m, cửa chính quay về hướng đông, có dạng bẻ góc cân xứng giữa hai phần bắc và nam qua trục đông – tây. Toàn bộ kiến trúc được xây trên nền đá sa thạch bị phân hủy. Kiến trúc có dạng hai hình vuông lồng vào nhau. Chính giữa hình vuông bên trong có một trụ thiêng có kích thước 0,74m x 0,75m. Lối lên xuống được xây hình bán nguyệt bằng gạch, đây chính là điểm riêng biệt so với các kiến trúc khác trong quần thể di tích Cát Tiên. Kiến trúc 6A không thấy đá dựng khung cửa hay đá lát lối lên xuống, các nhà khoa học tìm thấy dấu vết của các lỗ chân cột ở xung quanh tường móng kiến trúc gò 6A. Phía trên kiến trúc này có thể được làm bằng một loại vật liệu nhẹ, không có tường bao ở xung quanh, khác hẳn so với các kiến trúc khác tại Cát Tiên.

Kiến trúc 6B: nằm ở phía nam song song với kiến trúc 6A. Kiến trúc được xây trên mặt gò tự nhiên không bằng phẳng, có bình đồ hình chữ nhật 7,3m x 5,4m được chia làm hai phần: kiến trúc chính và bậc lên xuống. Kiến trúc chính chỉ còn lại phần nền và móng có dạng gần vuông với các cạnh dài gần 6,0m. Được xây giật cấp nhẹ dần lên cao. Lối lên xuống được xây nhô ra ngoài với bậc cấp xây hình bán nguyệt bằng gạch. Kiến trúc này quy mô nhỏ, không có tường vách xây cao ở phía trên, không có cửa chính xây bằng những khối đá lớn bằng phẳng. Có thể thấy rằng đây là loại hình kiến trúc lộ thiên. Trung tâm kiến trúc xuất lộ bệ thờ xây bằng những phiến đá sa thạch mềm xếp khít vào nhau.

Tại cụm kiến trúc số VI hiện vật thu được ngoài những lá vàng (khắc tạc hình các vị thần, chữ Sankrit, động vật, thực vật), linh vật và đá quý còn có 01 hộp bạc hình oval chạm khắc hình sư tử đang nằm, Linga đồng (cao 52cm, đường kính thân 25cm), hộp gốm hình Linga cùng với các Linga nhỏ bằng vàng, bạc,… Đây là loại hình hiện vật độc đáo mới lạ lần đầu tiên được biết đến tại di tích Cát Tiên cũng như ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Niên đại của cụm di tích vào khoảng thế kỷ VII (sau Công Nguyên).