Mảnh vàng

Chất liệu: Vàng
Kích thước: 3,7cm x 4,1cm
Màu sắc: Vàng
Hình dạng: Chữ nhật
Kỹ thuật chế tác: Dập nổi
Nguồn gốc: Khai quật

Thông tin hiện vật

Hiện vật được khai quật tại phế tích kiến trúc 1A, Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên năm 1996.

Phế tích kiến trúc này có bình đồ hình vuông 12m x 12m, cửa chính quay về hướng đông. Phế tích kiến trúc 1A có quy mô lớn, ở vị trí cao nhất trong toàn bộ quần thể di tích khảo cổ cát tiên, được xem là một ngôi đền chính của khu di tích.

Xung quanh đền tháp là sân rộng được lát gạch, mặt tường tháp phía trong, gạch được xếp đều và khít với nhau. Phía bên ngoài được xây theo lối giật cấp nhỏ dần lên cao, tạo cho ngôi tháp một thế đứng vững chãi. Tiền sảnh xếp đá và gạch, bậc tam cấp được lát phẳng bằng những tấm đá ghép dẫn lên cửa tháp.

Căn cứ trên những đặc điểm kiến trúc và hiện vật thu được các nhà khoa học đã đoán định niên đại của phế tích kiến trúc 1A vào khoảng thế kỷ VII – VIII sau công nguyên.
Mảnh vàng được dát mỏng và dập nổi dập nổi hình thần Brama đang cưỡi ngỗng Hamsa.

Thần Brahma đội mũ chóp nhọn. Khuôn mặt tròn mặt nhìn nghiêng hướng về phía trước, mũi cao, mắt to tròn, sống mũi cao, miệng rộng, cằm hơi nhọn.

Thần Brahma trong tư thế cưỡi trên lưng ngỗng. Thân tròn, bụng nhỏ. Hai tay giang rộng, tay phải đưa lên cao, tay trái hạ xuống thấp, hay tai đang cầm đoạn dây giống như đang múa. Cổ vị thần có một núm tròn nổi như đeo đồ trang sức.Chân gập trên lưng.

Ngỗng Hamsa có mỏ nhọn dài, đầu tròn to, mắt tròn lồi, thân tròn dài đỡ người ngồi phía trên, cánh hẹp ngắn, đuôi xòe rộng cách điệu.

Trong Hindu giáo mỗi vị thần có một linh vật cưỡi. Trong đó ngỗng thần Hamsa là linh vật cưỡi của thần Brahma. Thần Brahma là vị thần sáng tạo nên mọi sinh vật trên thế gian.

Đây là hiện vật thờ cúng, vị trí khai quật trong lòng trụ giới của kiến trúc IA.