Phiến đá có khắc hình mặt người
Chất liệu: Đá
Kích thước: Dài: 2,7cm; Rộng: 2,4cm; Dày: 0,9cm
Màu sắc: Màu xám đen
Hình dạng: Chữ nhật
Kỹ thuật chế tác: Đục, chạm khắc thủ công
Nguồn gốc: Khai quật
Thông tin hiện vật
Hiện vật phát hiện tại Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên. Di tích khảo cổ Cát Tiên được phát hiện năm 1985. Đây là một quần thể các phế tích kiến trúc tôn giáo mang ảnh hưởng của Hindu giáo (Ấn Độ), trung tâm di tích tại xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Trải qua 9 cuộc khai quật khảo cổ học và nhiều đợt điều tra, thám sát đã làm xuất lộ nhiều loại hình kiến trúc như đền tháp, mộ tháp, nhà dài,…thu được hơn một ngàn hiện vật có giá trị. Niên đại di tích được đoán định vào khoảng thế kỷ VI – XI sau công nguyên.
Di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt năm 2014. Di tích Khảo cổ Cát Tiên chứa đựng nhiều thông tin khoa học: sử học, dân tộc học, kiến trúc và nghệ thuật mang giá trị lịch sử – văn hóa phong phú với tiềm năng du lịch hấp dẫn đã đưa Di tích khảo cổ học Cát Tiên lan tỏa, khẳng định đây là một di sản văn hóa vô giá trên vùng đất Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ của nước ta.
Hiện vật được chế tác bằng chất liệu đá, có dạng hình chữ nhật. Bề mặt được mài nhẵn, với các cạnh và góc sắc sảo. Một mặt có khắc hình mặt Kala có khung viền xung quanh bằng hoa văn răng cưa. Phía dưới mặt Kala, cạnh đường viền có một lỗ tròn nhỏ. Cạnh bên trái có khắc chìm hình con cá, ở đầu mũi khắc một hình thoi. Trên một cạnh ngắn có khắc một hình nhỏ nét uốn cong lên xuống giống như một ký tự cổ.
Kala là một hình tượng nổi bật trong Văn hóa Hindu. Khi thể hiện Kala mukha chính là biểu hiện của thần Shiva (đấng hủy diệt và tái tạo vũ trụ của Ấn Độ giáo). Kala có nghĩa là thời gian, tượng trưng cho sự hủy diệt, cái chết và để tái tạo và tái sinh. Kàla cũng là một danh xưng khác của Diêm Vương (Thần chết). Kala hay xuất hiện cùng Makara (thủy quái – cá).
Niên đại: thế kỷ VI – VII