Tượng thần Ganesha
Chất liệu: Đá
Kích thước: Cao 90cm, rộng thân 62cm
Màu sắc: Xám đen hạt mịn
Hình dạng: mình người đầu voi
Kỹ thuật chế tác: Thủ công
Nguồn gốc: Khai quật
Thông tin hiện vật
Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên được phát hiện năm 1985. Đây là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch, trung tâm di tích tại xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Qua nhiều lần tổ chức khai quật khảo cổ học cùng với các điều tra, thám sát, kết quả đã làm xuất lộ nhiều loại hình kiến trúc như mộ tháp, đền tháp, nhà chờ, thu được hơn 1300 hiện vật. Niên đại di tích được đoán định vào khoảng thế kỷ VI – XI sau công nguyên.
Di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Di tích Khảo cổ Cát Tiên mang lại nhiều thông tin khoa học: sử học, dân tộc học, kiến trúc và nghệ thuật. Những giá trị Lịch sử – Văn hóa phong phú và tiềm năng du lịch hấp dẫn đã đưa Di tích khảo cổ Cát Tiên lan tỏa, khẳng định đây là một di sản văn hóa vô giá trên vùng đất Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ của nước ta.
Tượng thần Ganesha được khai quật tại Di tích kiến trúc IIA, Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên năm 1994. Tượng thần Ganesha đượpc chế tác từ chất liệu đá sa thạch, màu xám. Tượng cao 1,2, rộng thân ngang vai 70cm.
Tượng không còn nguyên vẹn, vỡ toàn bộ phần mặt, ngực và bụng, phần vòi và một phần tay trái. Tượng thần Ganesha được khắc tạc tạo dáng ngồi nhìn thẳng, đầu nổi cao, có phần trán nở, hai mắt nhỏ, hai tai to chảy dài, có vòi dài uốn cong vắt sang bên phải. Tượng thể hiện hình khối lớn hơi thô.
Phần thân to chắc khỏe; hai vai dẹt, nở theo chiều ngang, sống lưng thẳng rắn chắc. Hai cánh tay thế co nhẹ đặt thoải mái trên hai đùi. Hai chân trong tư thế trong tư thế ngồi xếp bàng.
Theo thần thoại Ấn Độ, thần Ganesha là vị thần may mắn, tri thức và văn học, là con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati. Ganesha là một trong những vị thần cổ xưa nhất của các ngôi đền Hindu và cũng là một trong số những vị thần được yêu mến nhất vì thần có khả năng dẹp bỏ những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Thần được thờ cúng rất rộng rãi trong cộng đồng những người theo Hindu giáo đến tận ngày nay.