Yoni
Chất liệu: Đá
Kích thước: Cạnh dài 57cm
Màu sắc: Xám xanh
Hình dạng: Hình vuông
Kỹ thuật chế tác: Thủ công
Nguồn gốc: Khai quật
Thông tin hiện vật
Hiện vật khai quật tại kiến trúc số 3, Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên năm 2001.
Kiến trúc số 3 nằm ở tọa độ 11031’31’’ vĩ bắc và 107024’08’’ kinh đông, cách cụm kiến trúc số 3 về phía nam 25m, cách bờ sông Đồng Nai 25m. Kiến trúc nằm trên một gò đất cao 3,60m so với bề mặt xung quanh, được khai quật năm 2001.
Kiến trúc số 3 khai quật trên hai phần ba diện tích bề mặt gò. Làm xuất lộ hơn hai phần ba kiến trúc đền thờ có bình đồ hình vuông 9,6m x 9,6m. Kiến trúc có phần phía trên đã bị sụp đổ chỉ còn lại phần nền móng và bậc cấp đi lên. Kiến trúc có cửa chính mở về hướng đông, dẫn lên cửa là 5 bậc lát đá phiến được cắt góc vuông vức, mài nhẵn ghép với nhau.
Trong quá trình khai quật hố trung tâm của kiến trúc đã phát hiện nhiều mảnh vàng có chạm hình động vật, thảo mộc và mảnh vàng khắc ký tự Sanskrit; bệ yoni bằng đá và một số hiện vật đá bán quý kích thước nhỏ nhiều màu sắc. Đặc biệt tại kiến trúc này phát hiện một mảnh vàng lớn chạm rắn Naga được uốn cong thành hình lòng chảo và một lá vàng chạm hình bông sen tám cánh.
Thông qua loại hình kiến trúc và hiện vật thu được các nhà khoa học đã đoán định niên đại của phế tích kiến trúc số III vào khoảng thế kỷ VII sau Công Nguyên.
Yoni được chế tác trên một khối đá nguyên, hình vuông, mỗi cạnh dài 57cm. Bên trong có một hình vuông nhỏ cạnh dài 34cm hạ xuống. Ở giữa được đục một vòng tròn đều đường kính 16,5cm, sâu 1,5cm, phần trên giữa tâm vòng tròn đã bị gãy, có thể vòng tròn tâm này là điểm gắn linga. Các góc cạnh của yoni cũng đã bị sứt mẻ. Phần vòi yoni cũng đã bị gãy.
Linga – Yoni là biểu tượng thờ của cư dân theo đạo Bàlamôn, Linga tượng trưng cho nguyên lý dương và Yoni tượng trưng cho nguyên lý âm. Sự giao hòa âm – dương là nguồn gốc của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật trong vũ trụ và cũng là nét đặc trưng trong tập tục thờ cúng của các cư dân nông nghiệp theo Ấn Độ giáo.
Ngẫu tượng thờ Linga – Yoni có nguồn gốc từ tôn giáo Ấn Độ. Hình tượng Linga – Yoni đầu tiên tìm được tại di chỉ văn hóa Harappa Nam Ấn Độ. Sau này khi người Aryan vào đất Ấn Độ thì tín ngưỡng này được đưa vào hệ thống thần thoại Ấn Độ. Khi ra đời bộ sử thi Ramayana và Mahabharata, hệ thống thần linh đã khá hoàn chỉnh trong đó có ba vị thần chính (Vishnu, Shiva và Brahma) cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các vị thần liên quan đến đời sống, xã hội, tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo của cư dân.