Yoni

Chất liệu: Đá
Kích thước: Cạnh dài 57cm
Màu sắc: Xám xanh
Hình dạng: Hình vuông
Kỹ thuật chế tác: Thủ công

Thông tin hiện vật

Hiện vật phát hiện tại kiến trúc số 4, Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên.

Kiến trúc số 4 là dạng kiến trúc đền thờ, chất liệu xây dựng bằng gạch, có quy mô tương đối lớn, nằm ở vị trí đơn lẻ, bao gồm: hệ thống tường bao ngoài, tường bao trong, khu vực tiền sảnh và kiến trúc trung tâm. Kiến trúc trung tâm được xây dựng có dạng bẻ góc, giật cấp cân xứng giữa các mặt. Đền có cửa chính mở hướng đông. Mặt sàn được lát bằng đá phẳng, trước khi kiến trúc được khai quật toàn bộ lòng kiến trúc đã bị đào phá nghiêm trọng. Kiến trúc được đào thám sát năm 1993 và khai quật năm 2020.

Yoni được phát hiện trong đợt thám sát năm 1993, chế tác từ chất liệu đá, liền khối màu xám xanh, hạt mịn. Bề mặt yoni được mài nhẵn. Yoni có hình vuông, bên trong được hạ thấp phẳng xiên dần ra phía vòi. Chính giữa yoni đục một lỗ hình chữ nhật kích thước 19cm x 12cm. Vòi yoni nhỏ dần ra phía ngoài, ở giữa có khe nước chảy.

Niên đại: thế kỷ VII – VIII sau công nguyên.

Linga – Yoni là biểu tượng thờ của cư dân theo đạo Bàlamôn, Linga tượng trưng cho nguyên lý dương và Yoni tượng trưng cho nguyên lý âm. Sự giao hòa âm – dương là nguồn gốc của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật trong vũ trụ và cũng là nét đặc trưng trong tập tục thờ cúng của các cư dân nông nghiệp theo Ấn Độ giáo.

Ngẫu tượng thờ Linga – Yoni có nguồn gốc từ tôn giáo Ấn Độ. Hình tượng Linga – Yoni đầu tiên tìm được tại di chỉ văn hóa Harappa Nam Ấn Độ. Sau này khi người Aryan vào đất Ấn Độ thì tín ngưỡng này được đưa vào hệ thống thần thoại Ấn Độ. Khi ra đời bộ sử thi Ramayana và Mahabharata, hệ thống thần linh đã khá hoàn chỉnh trong đó có ba vị thần chính (Vishnu, Shiva và Brahma) cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các vị thần liên quan đến đời sống, xã hội, tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo của cư dân.